Đối với Đức, thắt lưng buộc bụng là giải pháp cần thiết đối với một đất nước đã chi tiêu liều lĩnh vượt quá khả năng của họ cho đến năm 2008.
Gần đây, một triển lãm nhỏ đã được mở cửa tại Bảo tàng Lịch sử Đức ở Berlin về niềm đam mê tiết kiệm tiền của quốc gia này. Với chủ đề “Tiết kiệm – Lịch sử một đức tính tốt của nước Đức”, triển lãm này trưng bày các đồ vật, tranh vẽ, áp phích và tài liệu về giúp giải thích nguồn gốc lịch sử lịch sử của thái độ khôn ngoan thận trọng về tài chính tại Đức từ cuối thời kỳ Khai sáng đến cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro.
Ngân hàng tiết kiệm đầu tiên được mở vào năm 1778 ở Hamburg. Lấy cảm hứng từ ý tưởng Khai sáng về tiến bộ xã hội, ngân hàng này ban đầu được coi là một công cụ để cải thiện hoàn cảnh khó khăn của người dân đô thị nghèo khổ.
Đến năm 1836, có hơn 300 ngân hàng như vậy hoạt động trên khắp Liên bang Đức, cho phép người Đức tiết kiệm những đồng tiền đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt mới kiếm được của họ để nhận lại chút tiền lãi.
Bằng cách tiết kiệm một phần thu nhập nhỏ bé của mình, họ có thể chi trả cho học phí của con cái và giảm bớt gánh nặng tài chính khi về già hoặc khi bệnh tật. Động lực này sớm được thay thế bởi một lý do hoàn toàn khác.
Theo ông Robert Muschalla, một quản đốc bảo tàng tại Berlin cho biết:
“Trong nửa sau thế kỷ 19, tiết kiệm tiền dần trở thành một ý tưởng quốc gia. Đó là khi bạn thấy phong trào tiết kiệm gia tăng kêu gọi các trường học dạy tiết kiệm tiền cho trẻ em và giới thiệu các ngân hàng tiết kiệm đặc biệt của trường. Đây cũng là khoảng thời gian bùng nổ của các tài khoản tiết kiệm trên khắp nước Đức. Vào thời điểm này, tiết kiệm không còn là một công cụ chống lại nghèo đói. Nó bắt đầu được coi là sự phục vụ cho đất nước.”
Khái niệm tiết kiệm cá nhân là sự phục vụ cho quốc gia trở nên rõ ràng hơn trong thế chiến thứ nhất, khi hoạt động tuyên truyền quy mô lớn khuyến khích người Đức đầu tư tiền tiết kiệm của họ vào các trái phiếu chiến tranh. Nghe theo lời kêu gọi của chính phủ, hàng triệu người Đức đã phải chứng kiến tiền tiết kiệm của họ mất giá và cuối cùng bị xóa sổ do tình trạng siêu lạm phát vào năm 1923.
10 năm sau, Hitler và Đức quốc xã lên nắm quyền. Đối với chúng, tiết kiệm là cách người Đức đích thực xử lý tiền bạc.
Người tiết kiệm tiền được coi là chăm chỉ, có đạo đức, và đang đi theo con đường đúng đắn. Chiều ngược lại là những người hoạt động trong thị trường chứng khoán, những kẻ đầu cơ và những người chơi cờ bạc.
Đến tháng 9/1944, những người Đức đã tiết kiệm được 97 tỷ Reichsmark, nhiều hơn 68 tỷ so với lúc bắt đầu thế chiến thứ 2 và gấp 7 lần so với thời điểm Hitler lên nắm quyền.
Tuy nhiên, cũng giống như sau thế chiến thứ nhất, những khoản tiết kiệm này đều bị xóa sổ gần như hoàn toàn do lạm phát, sau đó là cải cách tiền tệ và sự ra đời của đồng Mác Đức.
Cũng giống như trước đó, kết quả tồi tệ này không ngăn được người Đức tiết kiệm một lần nữa.
Ngược lại, giữa năm 1950 và 1960, tiền gửi tiết kiệm của quốc gia này thực tế lại tăng gấp 10 lần. Điều này cho thấy đối với người Đức, tiết kiệm không chỉ là một chiến lược kinh tế, nó đã trở thành một thói quen.
Điều đó vấn đúng cho đến ngày nay. Người Đức tiếp tục tiết kiệm, và họ tiếp tục lo lắng rằng liệu các khoản tiết kiệm của họ có bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát, lãi suất thấp, và các kế hoạch của các ngân hàng trung ương cũng như chính trị gia châu Âu hay không.
Họ tiếp tục coi thường thị trường chứng khoán, và vẫn đặt niềm tin vào ngân hàng Sparkasse cổ điển.
Truyền thống này đã giúp công dân Đức trở thành những người tiết kiệm nhiều nhất thế giới. Các hộ gia đình thường xuyên tiết kiệm hơn 8% thu nhập của họ trong 20 năm qua, theo số liệu của OECD. Các ngân hàng tiết kiệm của Đức tiếp tục kiểm soát 37% tổng số tiền gửi.
Truyền thống tiết kiệm của Đức không chỉ giới hạn ở hộ gia đình hay các công ty mà còn được thể hiện ở tài chính nhà nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các chính sách quốc nội mà còn hầu hết các chính sách châu Âu.
Sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, các chính sách thắt lưng buộc bụng được áp dụng ở các quốc gia phía nam, đặc biệt là Hy Lạp, nhấn mạnh vào sự cần thiết phải giảm chi tiết và tăng tiết kiệm, Không có gì ngạc nhiên khi Đức là một trong những quốc gia ủng hộ hàng đầu các chính sách tài chính này.
Nguồn: Cafebiz