Khi còn ở tuổi ngồi trên ghế nhà trường, thế hệ chúng tôi thiếu thốn đủ thứ: đói ăn, đi lại rất khó khăn, phải phụ giúp gia đình từ nhỏ. Mượn được của ai cuốn truyện nào là đọc ngấu nghiến, không nhỡ người ta đòi giữa chừng thì sao! Tôi đã mượn và đọc ngấu nghiến „Đồi gió hú“ những ngày còn đang học lớp 9. Lúc bấy giờ, tiểu thuyết này là một trong những tiểu thuyết nước ngoài rất hay, được bàn luận sôi nổi một thời gian rất dài.
…Câu chuyện nói về cuộc sống của gia đình Earnhaw, một chủ trang trại ở nước Anh thế kỷ thứ 19. Nhân vật chính của tiểu thuyết là cô con gái Cathy đài các nhưng đầy cá tính. Bố cô lại nhặt từ đâu về một đứa trẻ hoang làm con nuôi, đặt tên Heathcliff. Khi lớn lên, đứa con nuôi này tỏ rõ tính hoang dại độc ác. Ông chủ lâu đài chết ba năm sau khi mang Heathcliff về nhà. Vốn ghét sẵn, sau khi bố chết, anh trai của Cathy tên là Hindley có dịp ra tay đối xử tồi tệ với Heathcliff. Càng bị khinh miệt bao nhiêu, Heathcliff càng biến thành thù hận quyết tâm làm khuynh gia bại sản gia đình này. Thế mà Heathcliff lại yêu say đắm Cathy (Catherine), một tình yêu hoang dại, đam mê, ghen tuông, độc ác và rất kỳ dị, vượt ra ngoài khung đạo đức của thế kỷ thứ 19 ở châu Âu. Heathcliff không cưới được Cathy vì không môn đăng hậu đối và bị khinh miệt, đó là lý do để Heathcliff trả thù…
Tác giả của cuốn tiểu thuyết khác thường này là Emily Bronte, một cô gái mới ngoài hai mươi tuổi, viết truyện hoàn toàn theo trí tưởng tượng. Quê hương của Emily Bronte là một vùng miền bắc nước Anh có tên Haworth, cách London chừng ba giờ xe chạy.
Năm 1820 Patrik Bronte, một mục sư, cùng gia đình chuyển đến Haworth sinh sống và phụ trách nhà thờ ở xứ này. Ông có 5 người con gái và một con trai. Đây là một nơi cằn cỗi, rất nghèo, nhiều đầm lầy, ít người biết đến. Nhưng chỉ vài chục năm sau, địa danh không tên tuổi này được rất nhiều người biết đến vì những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Jane Eyre, Agnes Gray, Bà chủ lâu đài Whitefeld, Đồi gió hú của ba chị em Bronte: Charlott, Emily và Anne.
Số phận gia đình Bronte thật trớ trêu: Vài tháng sau khi chuyển đến xứ này, bà Maria vợ ông chết, không bao lâu sau hai đứa con gái đầu lòng cũng theo mẹ ra đi. Còn bốn đứa con sau của cha cố cũng sống thật ngắn ngủi, Charlott Bronte (1816 – 1855), Emily Bronte (1818 – 1848), Anne Bronte (1820 – 1849) và Branwell Bronte (1817 – 1848).
Những nhà xã hội học thường đặt câu hỏi: Tại sao vùng đất hoang vu như vậy lại sản sinh ra những văn hào vĩ đại, mà họ lại là chị em trong một gia đình sống rất thanh đạm?
Nơi các nữ văn sĩ sống chủ yếu là núi đồi, đầm lầy, cằn cỗi. Đặc điểm thiên nhiên này đã chiếm lĩnh tâm hồn những cô gái mới lớn, từ đó họ có cảm xúc vô tận về thiên nhiên mà không bị bất cứ một ràng buộc nào cản trở. Heathcliff một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết là một con người hoang dã, gần gũi với thiên nhiên, không hề gọt rũa. „Đồi gió hú“ được xuất bản lần đầu năm 1847 với cái tên „Ellis Bell“. Trong những năm 40 của thế kỷ thứ 20 nó được dựng thành phim và nổi tiếng khắp thế giới.
Ở Haworth có một cái thác nước đặc biệt. Từ sườn núi có ba nguồn nước từ ba phía cùng đổ về một dòng sông. Nơi đây các cô gái của nhà Bronte vẫn ngồi câu cá hương hàng giờ và bàn bạc với nhau về ý đồ văn học. Ngày nay người ta đặt tên cho thác nước này là thác Bronte.
Tượng đài kỷ niệm gia đình Bronte nằm cạnh một nghĩa địa lớn. Nhìn vào những tấm bia đá người ta nhận ra rằng, không chỉ riêng gia đình Bronte mà gần một nửa số trẻ em ở đây đã chết trước khi 5 tuổi. Tuổi thọ trung bình của dân vùng này cũng chỉ 25, không có nơi nào ở nước Anh lại có tỷ lệ chết sớm cao như ở đây. Đói nghèo, lạnh, ẩm và nước không sạch là nguyên nhân dẫn đến chết sớm.
Ba chị em Bronte tuy sống ngắn ngủi nhưng đã để lại cho nền văn học thế giới những tác phẩm vô giá. Có người ví „Đồi gió hú“ như những viên kim cương còn dính đầy bùn đất nhưng người ta cứ để thế để mang vào viện bảo tàng. Khách du lịch đến Haworth đặt tên cho xứ này là „Bronte – Country“.
Đài tưởng niệm ba chị em nhà Bronte
Nguyễn Thế Tuyền