Giới sử gia nhận định rằng trong những ngày cuối đời, Hitler đã trở nên vô vọng và hoang tưởng (Ảnh: Dailymail).
Theo Dailymail, những tài liệu chưa từng được công bố trước đây về những ngày cuối của trùm phát xít Hitler bên dưới boong-ke trong lòng đất Berlin đã được 2 sử gia Aiolfi và Villatoux hé lộ sau hơn 70 năm. Trước đó, một quân nhân Pháp đã giữ những giấy tờ này như những món "đồ lưu niệm".
Trong cuốn sách mang tên: "Kho lưu trữ cuối cùng của Fuhrerbunker", 2 nhà sử học đã công bố kết quả nghiên cứu của họ với các tài liệu này. Họ gọi các giấy tờ này là "nhân chứng lịch sử thật sự".
Cụ thể, trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II và ngày tàn của chủ nghĩa Phát xít, Hitler đã gửi ra ngoài 70 văn bản, trong đó có những mệnh lệnh trong giờ phút tuyệt vọng.
Năm 1945, đại úy Pháp Michel Leroy đã đột nhập vào văn phòng thư ký riêng của Hitler, Martin Bormann, và tìm thấy các tài liệu trên. Ông đã giữ chúng cả đời cho đến khi mất và 2 sử gia đã tiếp cận được chúng thông qua con trai của ông Leroy.
"Mọi thứ đang hỗn loạn ở đây. Lãnh đạo sẽ ở lại đây dù chuyện gì xảy ra đi nữa", một bức điện do Bormann gửi đi viết, sau khi Hitler tuyên bố rằng ông ta thà tự sát còn hơn là đào thoát khỏi Berlin.
Theo nhà sử học Aiolfi những văn bản này rất quý giá về mặt lịch sử, vì vào thời điểm đó "hầu hết mọi thứ trong boong-ke đều bị thiêu rụi để chúng không bị lọt vào tay quân đội Liên Xô" khi lực lượng này tiến vào Berlin.
"Hơn 75 năm sau khi sự kiện diễn ra, những giấy tờ này vẫn còn mùi ẩm và dấu vết bị cháy. Chúng mang ý nghĩa chính trị đáng kể vì thuộc về Martin Bormann, cánh tay phải đắc lực của Hitler", ông Aiolfi bình luận.
Sử gia này cũng chỉ ra một tài liệu mà ông cho là "có tính biểu tượng nhất": một bức điện trong đó Hitler gửi "mệnh lệnh cuối cùng của mình liên quan tới việc bảo vệ Berlin".
"Ông ta điều động các đơn vị không còn tồn tại hoặc không còn khả năng tiếp cận thành phố, nhưng ông ta vẫn tin tưởng rằng quân đội của mình sẽ được cứu. Hitler nghĩ phát xít Đức có thể lật ngược được thế cờ trong trận Berlin và đánh bại Liên Xô. Ông nghĩ rằng mình có thể có lợi thế nếu thắng Liên Xô và định đàm phán hiệp định hòa bình, rồi thuyết phục Phe Đồng minh quay lại chống Liên Xô".
Theo 2 nhà sử học, trong những ngày cuối cùng, Hitler đã thể hiện rõ sự tuyệt vọng và hoang tưởng khi thất bại của phát xít Đức là điều rất rõ ràng trước mắt.
Hai trong số 70 văn bản được gửi đi từ boong-ke mà Hitler trú ẩn ở Berlin vào những ngày cuối Thế chiến II (Ảnh: BNPS).
Ví dụ, ngày 25/4/1945, 5 ngày trước khi chết, Hitler gửi điện yêu cầu lực lượng đóng ở Na Uy, Đan Mạch và Latvia trở về Berlin để chiến đấu. Tuy nhiên, kế hoạch này là bất khả thi vì các lực lượng này đã bị đánh bại.
Được biết tới là tay chân trung thành của Hitler, Bormann vẫn tiếp tục ở lại dưới boong ke dưới chân dinh thủ tướng Đức ở Berlin cho tới khi Hitler tự sát vào ngày 30/4/1945 khi Hồng quân Liên Xô chỉ còn cách nơi trùm phát xít trú ẩn vài khu nhà.
Bormann sau đó tự sát vào ngày 2/5/1945 trong lúc bị truy lùng khi cố gắng chạy trốn khỏi Berlin.
Đức Hoàng
Theo Sputnik, Dailymail
Nguồn: Báo điện tử Dân trí