Việc khám phá các trại tập trung của Đức Quốc xã vào cuối Thế chiến II đã cho thấy sự tàn sát người kinh hoàng có hệ thống, dẫn đến một trong những chương đen tối nhất trong thế kỷ 20.
Khi trại tập trung Birkenau được giải phóng vào ngày 18/1/1945, người ta phát hiện ra gần 7.000 kg tóc người được đóng trong các túi giấy mà quân Đức cất giữ để dùng làm cơ chế nổ bom… (Wikipedia)
Khủng bố đẫm máu
Hitler coi người Do Thái là “ký sinh trùng” và “để loại bỏ họ”, kẻ đồ tể đã viết trong cuốn Mein Kampf rằng: “Nhất thiết phải là một quá trình đẫm máu”. Vào ngày 9/11/1938, thế giới đã thay đổi vĩnh viễn bởi một sự cố bi thảm có cái tên mỹ miều: Kristallnacht (tiếng Đức) hay Night of Broken Glass có nghĩa là Đêm Kính Vỡ. Cái tên này bắt nguồn từ việc Đảng Quốc xã đã tiến hành đập vỡ cửa sổ nhà dân, giáo đường của người Do Thái. 91 người Do Thái đã bị sát hại ngay trong đêm đó.
Đêm Kính Vỡ đánh dấu sự khởi đầu của đại thảm sát Holocaust. Đêm đó Đức Quốc xã đã tiến hành các hoạt động khủng bố và bạo lực đầu tiên bằng cách phá hủy hơn 1.000 giáo đường Do Thái và 7.500 doanh nghiệp Do Thái trên khắp nước Đức. Các bệnh viện, trường học, nhà cửa và nghĩa trang của người Do Thái cũng bị hủy hoại nặng nề. 30.000 người Do Thái tuổi từ 16 đến 60 đã bị bắt và đưa đến các trại tập trung ở Buchenwald, Dachau và Sachsenhausen. Sự kiện bi thương này xảy ra trong vòng chưa đầy 48 giờ. Nhiều người trong số những kẻ tấn công là hàng xóm của các gia đình bị tấn công.
Đức Quốc xã đã tiến hành các hoạt động khủng bố và bạo lực đầu tiên bằng cách phá hủy hơn 1.000 giáo đường Do Thái và 7.500 doanh nghiệp Do Thái trên khắp nước Đức. (Wikipedia)
Trong suốt thời gian khủng bố, Hitler đã bật đèn xanh cho cảnh sát và nhân viên cứu hỏa không được can thiệp, và lính cứu hỏa chỉ được phép dập tắt đám cháy trong trường hợp gây bất lợi tới nhà cửa của những người thuộc chủng tộc Aryan.
Đê hèn hơn, Đức Quốc xã còn bắt cộng đồng người Do Thái phải chịu trách nhiệm đền bù những thiệt hại do những kẻ công quyền khủng bố gây ra trong hai đêm đó, với số tiền lên tới 1 tỉ Reichsmarks (tương đương 400 triệu đôla vào năm 1938), đồng thời trắng trợn tịch thu khoản tiền bồi thường cho người Do Thái từ các tổ chức bảo hiểm xã hội. Cộng đồng người Do Thái cũng bị buộc phải tự dọn sạch đống lộn xộn do Đảng Quốc xã gây ra.
Người Do Thái bị bắt cọ rửa vỉa hè vào tháng 04/1938. (Wikipedia)
Sự kiện khủng khiếp này đã gây ra một sự ngạc nhiên đối với nhiều người trên thế giới khi đó, và cũng là sự khởi đầu của một chuỗi hệ thống tàn sát người Do Thái trên khắp châu Âu. Hitter cũng ban hành quân luật tàn bạo ngay sau sự kiện khủng bố như:
- Các doanh nghiệp và nhà máy Do Thái bị tịch thu chiếm đoạt.
- Người Do Thái không được phép xuất hiện ở nơi công cộng.
- Trẻ em Do Thái không được phép đến trường học Đức.
- Người Do Thái phải chịu lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt.
- Người Do Thái bị buộc phải di cư khỏi nước Đức.
- Người Do Thái phải đeo huy hiệu Ngôi sao David trên quần áo để nhận dạng.
Sau vụ khủng bố Đêm Kính Vỡ, số phận của người Do Thái trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi Hitler và Đức Quốc xã bắt đầu thực hiện cái mà họ gọi là “Giải pháp cuối cùng” cho “vấn đề Do Thái”. Đó chính là Tiêu diệt người Do Thái. Từ giữa năm 1939 cho tới khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, Đức Quốc xã đã dựng nên hàng loạt các trại tập trung để tiến hành giết người có hệ thống khoảng 6 triệu người Do Thái khắp châu Âu.
Từ giữa năm 1939 cho đến năm 1945, Đức Quốc xã đã dựng nên hàng loạt các trại tập trung để tiến hành giết người có hệ thống khoảng 6 triệu người Do Thái khắp châu Âu. (Wikipedia)
Sự im lặng rợn người góp phần tiếp tay cho cái ác
Adolf Hitler cùng với vây cánh Joseph Goebbels đã phát động một chiến dịch lớn, thuyết phục người dân Đức tin rằng, người Do Thái là kẻ thù của dân tộc. Tổ chức Phát xít tương đương với Tổ chức Tà giáo này đã vu khống đổ tội cho người Do Thái chính là nguyên nhân làm người Đức thua cuộc trong Thế chiến I, và người Do Thái là những kẻ máu lạnh, sát hại trẻ em trong các dịp lễ Thánh.
Trong giai đoạn từ năm 1941 đến 1945, người Do Thái đã bị sát hại một cách có hệ thống trong một cuộc diệt chủng có quy mô lớn thuộc nhóm hàng đầu trong lịch sử, và nó là một phần của chương trình hành động tổng thể bao quát hơn mà Đức Quốc xã thực hiện: Đàn áp, tiêu diệt những nhóm sắc tộc và chính trị đối lập tại châu Âu. Mọi bộ phận của chính quyền Đức đều tham gia cung ứng hỗ trợ và hành động, điều này đã biến Đế chế Thứ ba thành “Một nhà nước diệt chủng”.
Đỉnh điểm của các vụ giết người Do Thái hàng loạt tăng đột biến vào năm 1942, cao nhất trong những năm Hitler ra lệnh tàn sát và phần lớn xảy ra trong các trại tử thần. Trong số 430.000 người được gửi đến trại tử thần đầu tiên tại Bełżec (Ba Lan), chỉ có 2 người sống sót. Trong vòng 5 tháng, khoảng 700.000 người Do Thái thiệt mạng tại trại Treblinka. Tháng 7/1942, Himmler ra sắc lệnh, tất cả người Do Thái ở Ba Lan, trừ những người còn đủ sức khỏe để phục vụ lao động thiết yếu cho chính quyền tà giáo, đều sẽ bị giết hết vào cuối năm.
Đỉnh điểm của các vụ giết người Do Thái hàng loạt tăng đột biến vào năm 1942, cao nhất trong những năm Hitler ra lệnh tàn sát và phần lớn xảy ra trong các trại tử thần. (Wikipedia)
Khi trại tập trung Birkenau được giải phóng vào ngày 18/1/1945, người ta phát hiện ra gần 7.000 kg tóc người được đóng trong các túi giấy mà quân Đức cất giữ để dùng làm cơ chế nổ bom… Tại trại tập trung Bergen-Belsen, quân đội Anh phát hiện rất nhiều da người được quân đội phát xít sử dụng để làm chao đèn. Các thí nghiệm rùng rợn được tiến hành trên cơ thể người Do Thái cũng là bằng chứng cho tội ác của Hiller và Đảng Quốc xã của hắn như bỏ đói nạn nhân, theo dõi thời gian nạn nhân sống được mà không có đồ ăn, ngâm mình trong nước lạnh bao lâu thì chết…
Mặc dù tình báo Đồng minh nhận được các báo cáo chi tiết về các vụ hành quyết người hàng loạt ở châu Âu do chính phủ tà giáo của Hitler gây ra, tuy nhiên phản ứng của người dân Anh và một số nước châu Âu phần lớn là thờ ơ và hoài nghi.
Còn tại Đức, khi cuộc bức hại giết người Do Thái ngày càng leo thang, hầu hết người Đức đều giữ im lặng, một phần là do họ được hưởng lợi khi người Do Thái bị mất việc làm và nơi kinh doanh, nhưng chủ yếu người dân Đức đều lo lắng bảo toàn tính mạng của mình. Do đó, khi thông tin về việc trục xuất người Do Thái và sự lạm quyền của Đảng Quốc xã bắt đầu rò rỉ ra ngoài, người dân Đức đã lo cho bản thân mình trước. Cảnh sát phát xít Đức được trao quyền bắt giữ mà không cần xét hỏi.
Một bức ảnh chụp từ một đoạn phim quay lén, ghi lại cảnh những người phụ nữ Do Thái đang tiến vào Phòng hơi ngạt, gần Lò thiêu số V. Thời điểm diễn ra vụ việc vào tháng 08/1944. (Wikipedia)
Để bưng bít tội ác của mình, chế độ độc tài Hitler sẵn sàng tử hình bất cứ ai dám nghe lén đài phát thanh nước ngoài và loan các tin đồn. Mối đe dọa khủng bố với hình phạt hà khắc đã có tác dụng rộng rãi khi Hitler và Đảng Quốc xã của hắn đã thành công trong việc bịt kín và cách ly người Đức khỏi mọi nguồn thông tin bên ngoài một cách hiệu quả, và bất cứ ai cố tìm hiểu sự thật sẽ phải trả giá đắt. Một số ít những người dũng cảm dám lên tiếng tố cáo chế độ tàn bạo của Hitler đều đau đớn nhận thấy sự thiếu vắng trợ giúp từ cả bên trong lẫn ngoài đất nước.
Hitler đã thành công trong việc thuyết phục cả dân tộc Đức rằng người Do Thái chính là kẻ thù của họ, từ đó hắn đã thoải mái triển khai kế hoạch bắt giữ, dồn người Do Thái vào các trại tập trung và tạo nên vụ thảm sát Holocaust mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại về sự tàn ác kinh hoàng.
Mục sư Martin Luther King – nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào đấu tranh đòi quyền của người da đen ở Mỹ, người đoạt giải Nobel Hòa Bình (1964) từng viết trong “Lá thư từ ngục Birmingham” rằng: “… Chúng ta chớ bao giờ quên rằng mọi điều Adolf Hitler làm ở Đức từng là “hợp pháp”… Giúp đỡ và an ủi người Do Thái ở nước Đức của Hitler đã từng là bất hợp pháp”.
Nhiều năm trôi qua sau thảm họa diệt chủng người Do Thái, ngày nay tại Đức, nếu ai đó từ chối không công nhận về vụ thảm sát Holocaust, Tòa án Tối cao Đức sẽ cho đó là một hành động phạm tội với án phạt tối đa 5 năm tù.
Xuân Trường