Nước Đức nằm ở trung tâm châu Âu, có khí hậu ôn hòa của Trung Âu và sự đa dạng của hệ động thực vật…
Đức còn nổi tiếng bởi là đất nước có 350 nhà hát lớn, 120 nhà hát Opera và nơi sinh ra rất nhiều nhà soạn nhạc của thế giới như:
S. Bach, Beethoven, Johannes Brahms…
Hình ảnh tuyệt đẹp của thành Phố Köln (Cologne), miền tây nước Đức
Nói đến người Đức, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến những người “khó tính” vì rất đúng giờ, tỉ mỉ, dè dặt và không có tính hài hước, việc cảm nhận này chỉ đúng ở một mức độ nào đó…
Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng vì phần lớn những người Đức sẽ sẵn sàng bỏ qua những sai phạm của người nước khác.
Điều này không có nghĩa là bạn có thể bỏ qua một số điều nên và không nên làm để tạo ấn tượng tốt ngay từ lần gặp đầu tiên.
Bắt tay:
Người Đức rất thích bắt tay và thường làm như vậy cả lúc gặp nhau và lúc chia tay. Việc bắt tay với từng người một khi bạn gặp gỡ một nhóm cũng rất thông dụng.
Uống rượu, bia:
Bia và rượu thường được bao gồm trong một bữa tối, bình thường các thức uống có cồn được dùng để mời khách. Tuy nhiên, nếu bạn không uống thì vẫn hoàn toàn chấp nhận được.
Không nên cố mời người khác dùng bia, rượu khi họ đã từ chối và đừng gọi các thức uống có cồn cho họ. Khi một người Đức từ chối không uống thì không hẳn là họ ngại hay vì phép lịch sự, mà vì họ không muốn uống.
Đúng giờ:
Khi bạn có một cuộc hẹn hoặc gặp gỡ ai đó thì đừng đến muộn. Người Đức cực kỳ đúng giờ và chỉ cần bạn đến muộn một vài phút cũng có thể khiến họ khó chịu.
Hãy đến sớm 5 đến 10 phút đối với những cuộc hẹn quan trọng và hãy gọi điện báo trước nếu bạn thật sự không thể đến đúng giờ.
Hoa:
Hãy mang theo hoa để tặng nếu bạn được mời đến nhà người bản địa nhân một dịp nào đó.
Nếu hoa được bọc trong giấy gói, hãy nhớ mở lớp gói ra ngay trước khi bạn bước vào nhà.
Rác:
Người Đức rất ý thức về việc bảo vệ môi trường và luôn phân loại rác để thuận tiện cho việc tái chế. Nếu hàng xóm của bạn phát hiện thấy bạn ném đồ thủy tinh hoặc giấy có thể tái chế được vào thùng rác thông thường, mối quan hệ của bạn có thể trở nên căng thẳng trong một thời gian dài.
Gõ cửa:
Khi vào một văn phòng nào đó, thường thì bạn sẽ gõ cửa trước và mở cửa bước vào ngay sau đó. Người Đức thích tận hưởng sự yên tĩnh và riêng tư. Do đó họ thường đóng cửa phòng của mình, tuy nhiên vẫn sẽ vui vẻ đón tiếp nếu bạn gõ cửa.
Một cánh cửa đóng không có nghĩa là chủ nhân không thể bị làm phiền.
Gọi điện thoại:
Đừng gọi điện thoại về nhà người khác sau 10 giờ đêm trừ khi bạn đã hỏi ý kiến họ trước. Bạn đừng hy vọng có thể gặp được ai tại các văn phòng làm việc sau 5 giờ chiều từ thứ hai đến thứ năm và sau 4 giờ chiều các ngày thứ sáu. Khi trả lời điện thoại, hãy tự giới thiệu mình bằng họ của bạn.
Dùng bữa:
Để dao và nĩa chéo nhau trên đĩa ăn là một dấu hiệu cho thấy bạn vẫn chưa dùng bữa xong. Đặt dao và nĩa ở bên phải song song với đĩa ăn là dấu hiệu để người phục vụ biết rằng bạn đã dùng xong và họ có thể dọn đĩa của bạn.
Chỗ ngồi trong nhà hàng:
Việc ngồi cùng bàn với người lạ khi nhà hàng đông khách là một việc rất bình thường và thông dụng ở Đức. Tuy nhiên trước khi ngồi vào bàn, hãy chỉ vào chỗ còn trống và hỏi xem đã có ai ngồi hay chưa.
Bạn có thể chúc những người cùng bàn ăn ngon miệng nhưng đừng quá trông chờ sẽ có những cuộc hội thoại tại bàn ăn. Khi bạn đứng dậy, đừng quên nói lời tạm biệt những người ngồi cùng bàn.
Nâng cốc:
Người Đức thường cụng ly và nói “Chúc vui vẻ” hoặc “Chúc sức khỏe” trước khi uống. Tại các buổi ăn tối trang trọng, thường người ta sẽ nâng cốc và gật đầu nhẹ với những người khác.
Chủ tiệc sẽ là người nâng cốc trước. Tại một buổi tiệc tối hoặc trong nhà hàng, bạn không nên bắt đầu ăn hoặc uống trước khi tất cả mọi người đã nhận phần thức ăn và đồ uống của mình.
Tiền boa:
Theo thông lệ ở Đức, người bồi bàn sẽ nhận được từ 5 đến 10% tiền boa, hoặc bạn chỉ cần làm tròn các khoản tiền nhỏ hơn.
Vũ Thu Phương - TINTUCVIETDUC.DE
Theo AP.