Khi nghe thấy tiếng kính vỡ, giọng nói lạ, tiếng bước chân trong hành lang, bạn thường tưởng tượng ra cảnh đáng sợ là có kẻ trộm vào nhà mình.
Ảnh minh họa : propertyrepair
Tiếp theo là phụ thuộc vào hành động của bạn.
Bà Bianca Biwer, Giám đốc điều hành tổ chức cứu trợ nạn nhân Weisser Ring khuyên:
"Tốt nhất bạn đừng nên tỏ vẻ anh hùng.
Ai bắt gặp quả tang kẻ trộm trong nhà mình thì nên lặng lẽ rời khỏi nhà thật nhanh.
Đừng tự lao vào tình thế nguy hiểm bằng cách chặn lối thoát của kẻ trộm.
Tốt nhất là chính bạn nên thoát ra khỏi nhà."
Tôi nên phản ứng như thế nào là tốt nhất?
Chủ nhà nên tự cứu lấy bản thân bằng cách trốn sang nhà hàng xóm, gọi đến số 110 để liên hệ với cảnh sát và hẹn gặp ở một nơi xa chỗ bạn đang ở.
Tôi sẽ phải làm gì nếu tôi không thể rời khỏi nhà một cách yên lặng?
Trong trường hợp khẩn cấp, nếu bạn không thể rời khỏi nơi bạn ở thì nên trốn trong phòng và khoá chặt cửa mà không để kẻ trộm biết.
Nếu không tránh được đụng đầu với kẻ đột nhập, bạn nên ghi nhớ các đặc điểm nhận dạng để sau này giúp đỡ cảnh sát.
Theo bà Biwer, Hầu hết kẻ trộm không đeo mặt nạ.
Cả thông tin về phương tiện xe cộ kẻ trộm dùng để trốn thoát cũng rất hữu ích.
Tôi nên làm gì nếu tôi xác định có vụ đột nhập?
Phía bảo hiểm yêu cầu thông báo cho cảnh sát. Trước khi cảnh sát tới, hiện trường phải được giữ nguyên trạng.
Nếu không, bạn có thể xoá mất dấu vết của kẻ trộm.
Sẽ tốt hơn nếu bạn biết rõ mình bị mất những gì. Do đó, bạn cần làm một danh sách các đồ vật trong nhà, thường xuyên cập nhật và bổ sung.
Sáng kiến “Nicht bei mir!” khuyên rằng bạn nên ghi lại các tên gọi, nhà sản xuất và thương hiệu, số đăng ký, đặc điểm riêng, giá tiền lúc mua, ngày mua các đồ vật và nên chụp ảnh các vật dụng đó.
Danh sách kiểm kê này tốt nhất nên được gửi ở nhà họ hàng, bạn bè hoặc ở trong két ngân hàng.
Bà con người Việt ở Đức nên biết và đề phòng hơn
Được biết bà con người Việt hay phải đi sớm về muộn hoặc thăm gia đình tại Việt Nam cả tháng cùng thói quen dự trữ tiền mặt trong nhà, nên gần đây đã trở thành mục tiêu của tội phạm trộm cắp chuyên nghiệp.
Thiết nghĩ cũng nên cẩn trọng đề phòng gia cố chắc chắn nhà cửa, lắp đặt các thiết bị An ninh, đóng bảo hiểm để yên tâm với cuộc sống lâu dài tại Đức.
©Phạm Bình - TINTUCVIETDUC.DE