Tại Đức, chi phí cho việc sở hữu một chiếc bằng lái xe ô tô không hề rẻ. Tuy nhiên, mức phí này không đồng nhất mà có chênh lệch khá nhiều ở mỗi bang
Cổng thông tin xe hơi www.auto.de khảo sát chi phí làm bằng lái hạng B có sự vênh đáng kể giữa các bang, có khi lên tới 150%.
Cuộc khảo sát đã cho thấy, bang Sachsen-Anhalt có chi phí làm bằng thấp nhất với 800 euro, cao nhất 2000 euro thuộc về bang Baden-Württemberg. Trong đó, chi phí trung bình cho một giấy phép lái xe ô tô tại Đức là 1337 euro.
Ngoài ra, chi phí đào tạo lái xe cũng có sự khác biệt giữa hai miền Đông Đức và Tây Đức.
Tại các bang miền Tây, việc làm bằng lái xe rẻ hơn rõ ràng so với các bang còn lại của Đức. Nhìn chung, các trường đào tạo lái xe có mức học phí thấp nhất tập trung ở Thüringen với mức trung bình khoảng 1040 euro và đắt nhất tại Bayern với 1660 euro.
Kết quả khảo sát này được đưa ra dựa trên việc thăm dò 130 trường lái xe tại tất cả 16 bang của Đức. Ngoài việc công bố tổng chi phí cho việc làm bằng, cuộc khảo sát còn cho thấy các mức chi phí thành phần khác cho việc học lý thuyết, học thực hành và kỳ thi thực tế cuối khóa.
Không công nhận bằng lái thi ở nước ngoài
Mặc dù Đức cũng là một thành viên EU và mọi thứ đang xích lại gần nhau hơn, nhưng vẫn còn có những thứ ngăn cách.
Cuối tháng 12/2011 vừa qua, Toà án tư pháp châu Âu phán quyết rằng nước Đức sẽ phải công nhận bằng lái xe của nước ngoài chỉ khi người lái xe đã sống ở nước đó từ 6 tháng trở lên.
Trong vụ kiện dẫn đến phán quyết trên, một phụ nữ ở Bayern đã thi được bằng lái xe tại Séc nhưng không được các cơ quan của Đức công nhận vì nơi sinh sống của người phụ nữ là vùng Nürnberg, chỉ cách biên giới Séc 130km, nên cô này đã sang Séc thi lấy bằng lái xe năm 2006. Do không được Đức công nhận nên cô này đã kiện ra toà án hành chính München.
Theo phán quyết của nhiều toà án tại Đức, nước Đức sẽ không phải công nhận bằng lái xe của Séc nếu người lái xe đã từng bị thu hồi giấy phép lái xe ở Đức (chủ yếu do uống rượu khi lái xe). Người phụ nữ nói trên tranh luận rằng, cô không hề phạm tội và cũng chưa từng vi phạm luật giao thông. Bằng lái xe do Séc cấp là chiếc bằng lái đầu tiên của cô.
Tuy nhiên, toà án châu Âu nói rằng các cơ quan ở Bayern đã đúng khi không công nhận bằng lái xe của người phụ nữ. Về cơ bản, các nước EU sẽ phải công nhận bằng lái xe của nước khác, nhưng chỉ khi người lái xe sống ở nước đó ít nhất 6 tháng. Trong trường hợp của người phụ nữ, cô này sống tại Đức nên không được công nhận bằng lái xe do Séc cấp.
17 tuổi bắt đầu được lái xe có người kèm
Sau thời gian thử nghiệm trên cả nước với nhiều kinh nghiệm đầy hứa hẹn, Chính phủ Đức đã thông qua luật cho phép thanh thiếu niên từ 17 tuổi được lái xe khi có người kèm kể từ năm 2011.
Theo đó, thanh thiếu niên từ 16 tuổi rưỡi đã có thể bắt đầu học lái xe và thi lấy bằng khi tròn 17 tuổi.
Đi đầu trong xu hướng này là tiểu bang Niedersachsen.
Từ năm 2004, tiểu bang này đã đưa vào thực hiện thí nghiệm mô hình. Cho đến nay, thanh thiếu niên trên toàn nước Đức được phép thi bằng lái xe ô-tô ở độ tuổi 17. Theo thông cáo của Bộ Giao thông, từ khi bắt đầu thử nghiệm này, đã có khoảng 380.000 người thi bằng lái xe có người đi kèm, số lượng người tham gia tăng nhanh hàng năm.
Nhưng trước khi kết thúc tuổi vị thành niên, 18 tuổi, họ chỉ được phép lái xe khi có người đi kèm. Người đi kèm phải từ 30 tuổi trở lên, đã có bằng lái xe ít nhất 5 năm và không được bị phạt quá 3 điểm trong Danh mục phạt xe trung tâm của Flenburg.
Ông Ramsauer, đại diện Bộ Giao thông Đức cho biết, kinh nghiệm đạt được rất khả quan.
Nhiều cuộc khảo sát của Bộ Giao thông cho thấy, nhờ vào việc lái xe có người đi kèm, số vụ tai nạn giảm đi rõ rệt và mức độ an toàn giao thông tăng hơn trước. Nhất là đối với những thanh niên nam, những người trước đây thường gặp nguy hiểm trong giao thông đường phố nhất.
Không những thế, thanh niên mới tiếp xúc với việc lái xe có thể học được nhiều thói quen tốt từ người đi kè, khi người này nhắc nhở họ để ý những tình huống nguy hiểm. Đồng thời, người đi kèm khi tự lái xe cũng sẽ giữ đúng luật hơn.
Nguồn: Báo Giao thông