Từ ngày Chủ nhật 28/10/2012 nước Đức chuyển sang sử dụng giờ mùa Đông. Sau nửa đêm ngày thứ bảy 27/10/2012 rạng sáng chủ nhật, vào lúc 03 giờ 00, đồng hồ sẽ được quay ngược trở lại thành 02 giờ 00.
Vào từng mùa trong năm, giờ theo mùa được thay đổi đồng loạt cùng thời điểm ngày, giờ. Biện pháp này nhằm để hạn chế khả năng gây ra thiệt hại kinh tế, có thể xảy ra khi chênh lệch trong lịch trình giao thông, buôn bán hay cả những lĩnh vực khác.
Châu Âu và việc thay đổi giờ
Quy ước đổi giờ tuy vậy không phải lúc nào cũng được dùng. Từ Mỹ, nó lưu truyền sang châu Âu vào những năm thế chiến thứ nhất nhưng lại bị xóa bỏ và thời thế chiến thứ hai. Đến những năm 70 của thập kỉ trước, châu Âu lại rơi vào khủng hoảng năng lượng và hàng loạt nước bắt đầu tiếp tục áp dụng nó.
Ảnh hưởng tới sức khỏe
Một trong những lí do khiến việc đổi giờ không được hoan nghênh, đó là việc các nhịp điệu sinh học của con người không thể thích ứng ngay với giờ mới. Khoảng 25% con người thường gặp các vấn đề về giấc ngủ, sự tập trung, cảm thấy mệt và đau đầu khi thời gian biểu bị xê dịch.
Theo các nghiên cứu khoa học của Úc được thực hiện vào năm 2008, việc đổi giờ còn ảnh hưởng tới tâm lý con người, khiến số lượng người tự tử trong vòng 1 tuần kể từ lúc đổi giờ tăng vọt. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Canada cũng phát hiện ra rằng số vụ tai nạn giao thông liên quan đến thời khắc đổi giờ cũng tăng đến 8% so với thông thường. Với các tai nạn lao động xảy ra trong ngày đầu tiên sau khi đổi giờ thì con số này là 6%.
Để vượt qua được những thay đổi không có lợi cho đồng hồ sinh học, các nhà khoa học khuyên người dân nên tập thể dục, chạy bộ hoặc đi dạo để cơ thể thích ứng với nhịp điệu mới một cách dễ dàng. Trong thời gian vài tuần đầu từ lúc đổi giờ, người khó ngủ cũng không nên uống nhiều rượu và cà phê vì các chất này sẽ khiến họ tỉnh hơn.
Theo Hương Việt.