Đức đang xem xét ban hành các quy định về việc cấm tài xế hút thuốc trên ô tô, mức phạt cao nhất có thể lên đến 3.000€, tương đương 3.300 USD.

Hút thuốc lá từ trước đến nay được xem là một thói quen không tốt cho sức khỏe. Khói thuốc xâm nhập vào cơ thể sẽ gây hại cho phổi của người dùng cũng như những người xung quanh.

1 Duc Hut Thuoc Trong O To Se Bi Phat Hanh Chinh Len Toi 3000

Quy định mới ở Đức sẽ xử phạt đối với hành vi hút thuốc khi có người đi cùng trên ô tô

CARSCOOP

Tại một số quốc gia, từ trước đến nay việc hút thuốc thường bị cấm ở những nơi công cộng... Trong khi đó ở nhà riêng hay trên ô tô cá nhân, tài xế hay những người đi cùng có thể sử dụng. Tuy nhiên, một số hội đồng bang ở Đức đang xem xét thay đổi những quy định về việc hạn chế, cấm hút thuốc lá trên ô tô để bảo vệ hành khách.

Theo trang 24auto của Đức, Hội đồng các bang North Rhine-Westphalia, Bremen, hay Hamburg có ý định sửa đổi các khoản 1, 2 và 5 của Đạo luật cấm hút thuốc và bảo vệ những người không hút thuốc của Liên bang. Theo đó, các quy định mới của luật nhằm ngăn các tài xế cũng như người đi cùng trên xe hút thuốc nếu có mặt phụ nữ mang thai và trẻ em. Luật sẽ không cấm người chỉ đi một mình trên xe hút thuốc.

Thực tế, khi một người trong xe hút thuốc lá, những người đi cùng khó có thể thoát khỏi ảnh hưởng bởi khói thuốc dù mở kính cửa sổ hay thậm chí cả cửa sổ trời. Theo quy định mới của một số hội đồng bang ở Đức, hành vi hút thuốc khi có người đi cùng trên ô tô sẽ bị phạt tiền từ 550 - 3.300 USD.

2 Duc Hut Thuoc Trong O To Se Bi Phat Hanh Chinh Len Toi 3000

Từ năm 2015 Anh cũng đã ban hành các quy định cấm hút thuốc trong các phương tiện giao thông

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng 166.000 trẻ em trên toàn thế giới tử vong do ảnh hưởng của khói thuốc lá. Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức (dkfz) cũng chỉ ra rằng, nồng độ khói thuốc trong xe cao gấp 5 lần so với trong quán bar có khói thuốc trung bình.

Thống kê của Dkfz cũng chỉ ra rằng khoảng 1 triệu trẻ vị thành niên ở Đức hiện đang tiếp xúc với khói thuốc trong ô tô.

Trước đó, Đức đã từng áp dụng các quy định cấm hút thuốc trong các phương tiện giao thông từ năm 2019 nhưng không thành công. Tại châu Âu, từ năm 2015, Anh cũng đã ban hành các quy định cấm hút thuốc trong các phương tiện giao thông.

Nguồn: thanhnien.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC