Trong khi các nước khác tỏ ra chủ quan rồi vỡ trận thì Đức đã siết chặt việc chống dịch ngay từ những ngày đầu. Chính phủ đã kích hoạt điều luật giảm thiểu tự do hoạt động đi lại của người dân trong mùa dịch.
Các hàng quán, dịch vụ công cộng đông người được hạn chế đáng kể, thậm chí nhiều cơ sở kinh doanh tự nguyện đóng cửa.
Người dân Đức phần lớn tuân theo các chỉ lệnh của nhà nước, hạn chế tự do đi lại và kinh doanh.
Nhiều người Đức vẫn không muốn nghe theo các yêu cầu phong tỏa, cách ly hay giãn cách xã hội. Họ sống tự do, dân chủ theo kiểu phương Tây quen rồi.
Một số tờ báo Đức thậm chí còn tỏ ra lo ngại tình trạng độc tài xuất hiện trong mùa dịch, nhất là lo ngại các lệnh phong tỏa, cách ly cực đoan.
Thậm chí nhiều người lớn tuổi ở Đức (vốn rất dễ bị tổn thương trước COVID-19) khẳng định họ từng trải qua Thế chiến thứ hai và cả giai đoạn Đức bị chia thành Đông-Tây, và vì vậy họ không sợ chết vì COVID-19. Họ sợ Đức sẽ trở về thời chuyên chế tập quyền của Đức quốc xã (chế độ độc tài chịu sự kiểm soát của Adolf Hitler) khi mà quyền tự do của mọi người bị kiểm soát.
Cuối tuần trước, ở nhiều thành phố lớn người dân vẫn tụ tập.
Chính quyền phải huy động hàng trăm cảnh sát để giải tán hoặc vây bắt gần 70 vụ. Điều này làm dấy lên lo ngại cảnh sát sẽ lạm dụng vũ trang và bạo lực. Thế nên khi giới lãnh đạo đang đau đầu về biện pháp chống dịch thì cùng lúc họ phải đối phó với các làn sóng yêu cầu bảo vệ tự do dân chủ, bảo vệ hiến pháp.
Rõ ràng, vấn đề tự do cá nhân không phải là chuyện mỗi Đức gặp phải trong cuộc chiến chống dịch.
Các nền dân chủ phương Tây vốn rất duy lý và tất cả hành động của chính phủ đều phải đặt quyền tự do cá nhân của người dân lên hàng đầu. Nhiều chuyên gia nhận định rằng Ý, Tây Ban Nha, Anh hay như Mỹ vỡ trận dịch COVID-19 một phần là vì việc áp dụng các điều lệnh cách ly, phong tỏa, yêu cầu đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người là rất khó.
Tự do đi lại và chống dịch hiệu quả rõ ràng là một bộ đôi bất khả thi.
Nói cách khác, tự do đi lại thì không thể chống dịch hiệu quả và ngược lại. Châu Âu và phương Tây nói chung lâu nay vẫn được nhiều tán thưởng bởi sự trưởng thành trong nền dân chủ của họ, và quyền tự do cá nhân là một khẩu hiệu bất diệt.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội ở phương Tây và sự khó khăn của chính quyền trong việc kêu gọi hợp tác từ người dân cho thấy một góc nhìn khác.
Nguồn: Báo Pháp Luật Online