Chiều 7/2, anh Nguyễn Đức Tuyến ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây xác nhận: sau khi vụ án xảy ra vài giờ, gia đình anh nhận được điện thoại của người em họ và bạn bè ở Đức báo về cho biết, trong số nạn nhân thiệt mạng có chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh (sinh năm 1968, là chị ruột anh Tuyến, đã sang Đức làm việc được 6 năm) cùng với một người Việt Nam khác tên là Sơn, quê ở Hải Phòng.
Chồng chị Oanh là anh Phạm Ngọc Cường đang sinh sống tại Đức (cách nơi làm việc của chị Oanh rất xa) sau khi nhận được hung tin cũng đã báo tin về gia đình tại Việt Nam.
Về nạn nhân người Việt thứ hai, gia đình chị Oanh cho biết anh Sơn đã sang Đức sinh sống được 10 năm, nhưng do không được định cư chính thức nên phải lấy tên một người khác để làm việc, do vậy việc xác định nhân thân sẽ gặp khó khăn.
Bạn bè gia đình chị Oanh tại Đức cho biết: đến chiều qua, số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 7 người (6 người chết tại chỗ, 1 người chết sau đó tại bệnh viện) gồm 4 nam (chủ nhà hàng, đầu bếp, 2 nhân viên) và 3 nữ (vợ chủ nhà hàng, chị Oanh, một nữ nhân viên người châu Á).
Cũng theo nguồn tin trên, nhiều khả năng cả 7 nạn nhân đều bị bắn chết bằng súng giảm thanh, mục tiêu của bọn tội phạm có thể chỉ nhắm vào vợ chồng ông chủ nhà hàng (chồng là người Trung Quốc, vợ là người Đức gốc châu Á) nhưng chúng đã thanh toán tất cả nhằm bịt đầu mối.
Vụ thảm sát với mục đích trả thù nhiều hơn cướp của. Tất cả nạn nhân nói trên đều bị bắn chết và bị trói chặt chân tay, cảnh sát chỉ nhận được tin báo sau khi chồng một nạn nhân tới nhà hàng để đón vợ và phát hiện ra vụ việc. Nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ thảm sát này là một bé gái con của vợ chồng chủ nhà hàng. Hiện bé cũng bị thương.
Đến chiều qua, động cơ vụ giết người hàng loạt trên cũng như danh tính và quốc tịch của các nạn nhân chưa được cơ quan chức năng của Đức công bố. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin khẳng định các nạn nhân đều là người châu Á.
Một người bạn cùng quê với chị Oanh cũng sống ở Đức cho biết, vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát, anh đang nói chuyện qua điện thoại với chị Oanh thì đột ngột nghe tiếng nói của một số người Trung Quốc, sau đó điện thoại bị ngắt, không liên lạc lại được nữa. Hôm sau, người bạn này mới biết lúc đó chính là thời điểm xảy ra vụ án.
Vụ việc đang gây xúc động rất lớn trong dư luận ở Đức vì hàng chục năm qua không xảy ra vụ án mạng nào nghiêm trọng như thế. Cộng đồng người Việt và cả nhiều người Đức đang quyên góp tiền để đưa thi thể các nạn nhân về nước. Gia đình chị Oanh cho biết, hôm nay sẽ liên lạc với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam ở Đức để nhờ giúp đỡ.
Theo SAT1, ZDF
TN