Trên thế giới, CHLB Đức thuộc vào số ít các nước không thu học phí ĐH (của chương trình ĐH đầu tiên mà người SV tham dự). Nhiều SV quốc tế đến đây trước hết cũng vì nền giáo dục ĐH miễn phí này. Điều đó sắp trở thành quá khứ?
Năm 2002, Bộ trưởng giáo dục Cộng hòa liên bang Đức Edelgard Bulmahn đã đưa được điều luật cấm thu học phí “đến khi kết thúc chương trình đào tạo đại học (ĐH) dẫn đến bằng cấp đầu tiên” vào Luật khung của liên bang về giáo dục ĐH. Với điều luật ấy, Bulmahn tưởng rằng đã kết thúc các tranh cãi về học phí ĐH.
Trên thực tế, yêu cầu thu học phí ĐH đã nổi lên từ rất nhiều chính trị gia trong thời gian qua. Các chính khách này cho rằng học phí sẽ là đòn bẩy đổi mới cả hệ thống giáo dục ĐH và là động lực tâm lý: ai đóng học phí sẽ không “phung phí” chương trình đào tạo của mình.
Mới đây, trong vụ tranh cãi giữa Chính phủ liên bang và một số tiểu bang đòi được thu học phí ĐH, phán quyết của Tòa án Luật Liên bang đã mở đường cho quyền thu học phí ĐH từ học kỳ đầu tiên của các tiểu bang.
Phán quyết này dẫn đến lo ngại về việc SV sẽ chuyển trường hàng loạt đến các trường ĐH ở các tiểu bang chưa thu học phí. Và ngay lập tức, một số tiểu bang không dự định thu học phí ĐH (Rheinland-Pfalz, Schleswig-Holstein và Bremen) đã lên kế hoạch chỉ miễn học phí ĐH đầu tiên cho SV “con em” của tiểu bang mình.
Chương trình đào tạo ĐH miễn phí có thể sắp trở thành quá khứ ở Đức. Và như vậy, thời kỳ mà chỉ SV các trường ĐH tư thục và các SV “rong chơi” (chỉ các SV kéo dài thời gian học ĐH của mình quá thời gian qui định) được mời đến quầy đóng học phí cũng sẽ qua đi. Trong lịch sử lâu dài của giáo dục ĐH Đức, những năm của các bài giảng và bài luyện thực hành miễn phí sẽ là một hồi ngắn: cho đến cuối những năm 60 người ta vẫn thu phí khoảng 150 Mark.
Trên thế giới, nước Đức thuộc vào số ít các nước không thu học phí ĐH (của chương trình ĐH đầu tiên mà người SV tham dự). Nhiều SV quốc tế đến đây trước hết cũng vì nền giáo dục ĐH miễn phí này. Trao đổi về việc này, ông Christian Bode, Chủ tịch Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) cho rằng việc thu học phí ĐH sẽ không làm du học sinh từ các nước “hoảng sợ” nếu mức học phí là “phù hợp với thị trường”. Ông cũng hy vọng rằng các SV hưởng học bổng của DAAD, với chất lượng được sàng lọc từ quá trình tuyển chọn kỹ càng, sẽ được các trường ĐH Đức miễn/giảm học phí.
Theo Spiegel Online.