Theo công đoàn Ver.di cho biết, cuộc bãi công của nhân viên các nhà trẻ bắt đầu từ ngày 8/5 và kéo dài vô thời hạn. Vậy những nhà trẻ nào tham gia bãi công, các bậc cha mẹ phải ở nhà trông con có bị sa thải không?

Theo các số liệu thống kê, ở Đức có tổng cộng 53.415 nhà trẻ, chăm sóc và dạy dỗ 3,2 triệu trẻ em. Tuy nhiên, đại đa số các nhà trẻ này không tham gia bãi công, mà chỉ các nhà trẻ công lập, tức là nhà trẻ thuộc cơ quan nhà nước, liên đoàn và hiệp hội. Tại Đức có tổng cộng 17.500 nhà trẻ công lập, trông nom khoảng 1,8 triệu trẻ em.

Cuộc bãi công lớn lần này diễn ra trên khắp nước Đức, nhưng mức độ tham gia bãi công ở các bang khác nhau. Công đoàn Ver.di đang chuẩn bị thiết lập các đường dây nóng tại các bang và các vùng để có thể tư vấn cho các bậc cha mẹ.

Về nguyên tắc, những người lao động có thể xin nghỉ để trông con, nhưng họ phải báo cho chủ lao động biết sớm lý do vì sao không thể đi làm và không thể nhờ ông bà, hàng xóm, láng giềng và bạn bè trông con hộ được. Trong trường hợp xin nghỉ để trông con, họ không sợ bị sa thải hoặc cảnh cáo.

Một số xi nghiệp có thể cho phép nhân viên mang con tới nơi làm việc, có phòng riêng cho trẻ con, nhưng chủ doanh nghiệp không bắt buộc phải cho phép nhân viên mang con theo, vì trẻ nhỏ có thể làm ảnh hưởng tới công việc của công ty.

Khi nghỉ ở nhà trông con, có lẽ các bậc cha mẹ sẽ nhận được lương ít hơn, vì bị trừ đi những ngày nghỉ.

Việc bãi công được coi là điều kiện bất khả kháng, nên nhà trẻ không bắt buộc phải hoàn trả lệ phí đã đóng. Tuy nhiên, nhiều nhà trẻ vẫn hoàn trả lệ phí. Vì vậy, các bậc cha mẹ có thể hỏi cơ quan chủ quản xem họ có hoàn trả tiền lệ phí hay không.

Với cuộc bãi công rộng khắp và vô thời hạn này, công đoàn ngành dịch vụ Ver.di cùng với công đoàn Giáo dục và Khoa học (GEW), Liên đoàn công chức dbb muốn đấu tranh để đề cao những ngành nghề xã hội và giáo dục. Bình quân, họ muốn tăng lương 10% cho những nhân viên ngành này.

Tuy nhiên, giới chủ lao động cho rằng không thể đáp ứng những đòi hỏi này, vì theo Hiệp hội các liên đoàn giới chủ địa phương (VKA), số tiền để tăng lương theo yêu cầu có thể lên tới 1,2 tỉ Euro.

Do qua năm vòng đàm phán không có kết quả, các công đoàn đã quyết định kêu gọi bãi công vô thời hạn để gây sức ép. Mặc dù cuộc bãi công lớn này có thể gây khó khăn cho nhiều người, nhưng đa số cha mẹ tỏ ra thông cảm, vì cho rằng các cô nuôi dạy trẻ bị trả lương thấp.

 Mai Lan
Theo Văn Long – Thoibao




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC