Hiệp hội Liên bang cung cấp dịch vụ xã hội tư nhân (bpa) mới đây cho truyền thông biết, trước mắt không nhận tiếp du học sinh điều dưỡng Việt thông qua cơ quan môi giới tuyển sinh Leading International Activation ( LIA). Nguyên nhân do học sinh Việt phải trả học phí quá lớn.
Chủ tịch bpa cấp tiểu bang Schleswig-Holstein vốn đại diện cho hơn 600 cơ sở điều dưỡng, ông Mathias Steinbuck phát biểu, tiền phí môi giới tuyển sinh đối với học nghề điều dưỡng là không thể chấp nhận được.
Điều dưỡng sinh từ Việt Nam trả phí cao cho cơ quan môi giới tuyển sinh LIA mà bpa đang cùng hợp tác.
Chi phí cho con đường sang Đức học nghề
Một số điều dưỡng sinh đến Đức thông qua LIA cho biết mức phí cao tới 10.000 Euro. Ở Việt Nam, con số này thường tương ứng với mức lương cao trong nhiều năm.
Một số học viên phải lâm vào cảnh nợ nần mới có thể trả tiền cho LIA để sang Đức nhập học.
Phiá LIA chịu trách nhiệm lo cho học viên mọi thủ tục, như xin thị thực, tổ chức các khóa học tiếng Đức, mua vé máy bay một chiều, tìm trường học nghề và chỗ ở tại Đức.
Một số học sinh cho biết họ sẽ không thể đến Đức nếu không có sự giúp đỡ của cơ quan môi giới tuyển sinh.
bpa chỉ trích thiếu minh bạch
Steinbuck cho biết, chúng tôi không biết bất cứ điều gì về các khoản phí môi giới như vậy. Sẽ là hợp lý nếu tính phí với một số loại dịch vụ nhất định, như tổ chức khóa học tiếng Đức hoặc trợ giúp xin thị thực, nhưng không phải là những khoản phí để tìm chỗ học nghề ở Đức.
Các khoản phí môi giới đó không được phép theo luật Đức.
Hồi tháng 2, bpa cho biết có 17 du học sinh Việt đã bắt đầu học nghề điều dưỡng tại Kaltenkirchen (quận Segeberg) trong khuôn khổ hợp tác với LIA. Đây là lần hợp tác cuối cùng giữa bpa và LIA tới thời điểm hiện nay.
Steinbuck cho biết hiệp hội của ông đã hỏi LIA về phí du học sinh đến hạn phải trả và được tính theo công thức nào, nhưng những câu hỏi này đã không được trả lời chính thức và minh bạch cần thiết.
Vì lý do trên, bpa sẽ không hợp tác với LIA, chừng nào những nghi ngờ trên vẫn chưa được giải toả. Điều đó cũng áp dụng cho các hiệp hội tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern và Niedersachsen.
Steinbuck cũng cho biết, sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo học phí của du học sinh được hoàn trả càng nhiều càng tốt. Hợp tác sắp tới, bpa không muốn có bên thứ ba nào liên quan ở nước cung cấp học viên được phép tính phí môi giới.
Hiện không rõ số tiền LIA thu được từ các học viên điều dưỡng đã thực sự đi đâu. Theo hợp đồng giữa học viên với phiá Đức, các khoản phí đã được trả cho LIA tại Việt Nam. Do đó, bpa sẽ khó thực hiện hoàn trả.
Người đứng đầu bộ phận “Tư vấn và Dịch thuật LIA” chi nhánh tại Đức, người thiết lập mối liên hệ với các trung tâm đào tạo ở Đức khẳng định không hề nhận bất kỳ khoản tiền nào từ các học viên, và khẳng định đã trả lời các câu hỏi một cách minh bạch.
Liệu điều đó có đúng không, hiện vẫn còn là một câu hỏi.
Một cô gái Việt Nam đến Đức thông qua LIA khẳng định, cô đã thay mặt LIA Việt Nam mang vài nghìn Euro tiền mặt đến Đức và trao cho người đứng đầu bộ phận này.
Nhưng người đứng đầu phủ nhận. Nếu cô gái Việt nói đúng, thì hoạt động kinh doanh của LIA Việt Nam và LIA Đức tách biệt rõ ràng với nhau sẽ bị bác bỏ.
Người đứng đầu chi nhánh LIA ở Đức cũng bác bỏ cáo buộc của bpa rằng họ đã không trả lời các câu hỏi về phía mình một cách công khai. Thông qua một công ty luật, người đứng đầu cũng cho biết đã nộp tất cả các tài liệu cần thiết và trả lời các câu hỏi một cách minh bạch.
Công ty luật này cũng viết rằng người đứng đầu không nhận được bất kỳ khoản phí môi giới nào và do đó không thể hoàn trả cho học viên.
Hiệp hội bpa đòi các cơ quan môi giới tuyển dụng phải làm việc chuyên nghiệp
Có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của các cơ quan môi giới tuyển dụng điều dưỡng sinh từ Việt Nam sẽ tiếp tục.
Người đứng đầu LIA chi nhánh ở Đức cũng là người đứng đầu một công ty mới thành lập có tên VICAT kể từ năm nay.
Trên trang web của mình, công ty quảng cáo các cơ sở chăm sóc ở Đức đang thiếu nhân viên. Công ty không tính phí môi giới tuyển dụng.
Chủ tịch bpa tiểu bang, ông Steinbuck nói rằng, trước hết các công ty nhỏ ở Đức phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để thu hút các điều dưỡng sinh mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các cơ quan chuyên nghiệp.
Việc tự đưa điều dưỡng sinh từ nước ngoài sang Đức học gần như là điều không thể đối với nhiều cơ sở đào tạo ở Đức.
Theo Tư vấn/ Hội người Việt Nam tại Đức