Khi bạn sống trên nước Đức trách nhiệm của bạn là phải tìm hiểu pháp luật của nước sở tại. Người ta sẽ không bao giờ chấp nhận lý do là ‘‘không biết thì không có tội‘‘.
“Nhập gia tùy tục” – cách nói ví von của ông bà ta xưa, ý dạy chúng ta khi đến nhà ai thì cần thuận theo những quy tắc ứng xử của nhà ấy, nói rộng ra thì khi đến một môi trường mới chúng ta cần hiểu và tuân thủ những tục lệ, quy định của nơi ấy…
Bởi vì nếu không hiểu và thích ứng với môi trường mới thì chúng ta đã tự làm khó cho cuộc sống của mình, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến những người ở nơi đó.
Những kiến thức dưới dây được chúng tôi tổng hợp dựa trên quá trình sống và làm việc trên nước Đức và dựa trên bộ quy tắc ứng xử Knigge – Benimmregeln của Đức.
1. Đúng giờ (Pünktlichkeit)
Việc đến không đúng giờ theo văn hóa của nước Đức đó là một việc làm bất lịch sự, thiếu tôn trọng những người xung quanh.
Và khiến cho người Đức cảm thấy rất khó chịu và thậm chí là tức giận.
Lý do thì có rất nhiều, ai cũng có thể kể ra rất nhiều lý do và nghe đều rất thuyết phục. Nhưng nếu bạn có sự chuẩn bị thật tốt và có ý thức với việc đi đúng giờ của mình thì việc đó sẽ rất ít khi xảy ra.
Như thế nào được gọi là đến đúng giờ:
Khi giờ học, giờ làm của bạn là 9 giờ sáng thì tức là đúng 9 giờ bạn phải có mặt trong phòng học hoặc nơi làm việc và chuẩn bị tư thế sẵn sàng để học và làm việc.
Bạn hãy có mặt trước giờ học ít nhất là 5 đến 10 phút để thay quần áo và làm những việc lặt vặt khác…chứ không phải 9 giờ mới có mặt để thay quần áo…
Khi bạn hoặc con cái bạn được ai đó mời…thì cần phải chú ý đến giờ đến và giờ về được ghi trên thiệp. Đến đúng giờ và về đúng giờ là điều mà chủ nhà rất mong chờ ở bạn.
Dù bạn có thấy họ lịch sự tươi cười thế nào thì cũng không được đến quá sớm ở lại quá lâu.
Khi bạn đã có Lịch hẹn/ Termin với một ai đó, đối với người Đức nó giống như một lời hứa và họ có trách nhiệm phải hoàn thành nó một cách tốt nhât. Trừ những trường hợp bất khả kháng.
Vì thế bạn cũng đừng đơn giản bỏ Termin chỉ vì khi hẹn thì thấy thích…nhưng mà bây giờ thì lại thấy hơi lười…nên sinh ra một số lý do như mệt, tàu không chạy…
Làm gì khi đến trễ.
Khi bạn gặp phải những khó khăn đột xuất dẫn đến việc đến muộn dù là 01 phút hay 05 phút thì hãy thông báo ngay cho người có trách nhiệm hoặc liên quan biết về việc đến muộn của bạn bằng cách gọi điện hoặc nhắn tin và nêu rõ lý do để họ biết.
Những câu nói thường được sử dụng khi đến muộn.
1. Entschuldigen sie bitte Herr/ Frau…
2. Tut mir leid Hr./Fr….
3. Entschuldigung für die Spätung…
2. Cách xưng hô: SIE, DU
Luôn phải gọi ‘‘Sie‘‘ đối với những người mới quen và không có mối quan hệ thân thiết. Tuyệt đối không được dùng ‘‘Du‘‘
Bạn sẽ dùng Du khi người giao tiếp với bạn đề nghị như vậy hoặc bạn có thể đặt câu hỏi: "Kann ich Sie duzen?"
Nếu người ta đồng ý thì bạn có thể bắt đầu. Nhưng khi đi học thì giữa giáo viên và học sinh thường không bao giờ dùng Du mà luôn luôn dùng Sie.
3. Tự trả tiền khi đi chơi
Khi đi uống nước hoặc đi ăn chơi đâu đó cùng những người khác. Thì việc ai đó tự trả tiền của người đó là một nét văn hóa đặc trưng của người Đức.
Muốn trả tiền cho người khác bạn cũng cần phải hỏi. Nếu người ta đồng ý bạn mới được phép trả. Nếu không họ cũng sẽ rất khó chịu.
Vì họ quan niệm họ tự làm nuôi sống bản thân, tự chịu trách nhiệm với bản thân, không muốn phải nhờ vả dựa dẫm hay lợi dụng người khác.
Và đặc biệt là không muốn phải trả nợ, vì lúc khác họ không biết là có điều kiện để trả nợ hay không.
4. Không gây ồn ào nơi cộng cộng.
Khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng tuyệt đối không được cười nói to, nô đùa ầm ĩ.
Người Đức thích yên tĩnh, nên bạn sẽ nhận được những ánh mắt khó chịu nếu bạn làm như vậy.
Tại nơi ở của bạn, bạn không được phép làm ổn ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh.
Đặc biệt là sau 18 giờ tối, bạn không được phép khoan, cưa, mở nhạc to hay làm bất cứ việc gì gây ra tiếng ồn lớn.
Gặp người hàng xóm khó tính họ sẽ gọi công an. Và nếu điều này lặp lại nhiều lần bạn có thể bị chủ nhà cắt hợp đồng và mời ra khỏi nhà.
Bạn có thể tổ chức Party vào tối thứ 6 hoặc tối thứ 7 trong tuần đến muộn, khoảng 2 giờ sáng.
Tuy nhiên trước đó 01 tuần, bạn cần phải dán giấy thông báo vào lối ra vào hoặc cầu thang máy để hàng xóm được biết và chuẩn bị trước.
5. Tuyệt đối không được ký vào bất cứ giấy tờ gì kể cả người ta có nói là miễn phí (kostenlos)
Tất cả mọi hình thức nhìn thấy trên Internet cũng không được điền thông tin cá nhân của mình vào hoặc có ai gọi điện thoại mời mọc…thì không được phép nói ‘‘Ja‘‘ mà phải nói ‘‘Nein‘‘
Vì đó cũng là một dạng ký hợp đồng.
Tuy là đất nước văn minh nhưng ở đâu cũng luôn có những người không tốt và người ta tìm mọi cách để lấy tiền của bạn một cách hợp pháp.
Họ có cả một bộ máy hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nó là bất hợp pháp, nhưng những người tiêu dùng thông thường không thể tranh cãi với họ mà nếu thuê luật sư thì phí lại rất đắt.
Nên mọi người thường mất tiền.
6. Không được xúc phạm hoặc đánh người khác. Dù là lời nói hay trên các phương tiện truyền thông khác.
Theo quy định của luật pháp Đức, đó là tội hình sự.
Bạn có thể bị ngồi tù nếu vi phạm nặng và bạn sẽ bị lưu vào hồ sơ. Mọi công việc của bạn sau này trên nước Đức đều bị ảnh hưởng bởi bộ hồ sơ này.
Tốt nhất là bạn đừng làm gì vi phạm pháp luật trên nước Đức, bởi vì như thế cuộc sống của bạn giống như đi vào ngõ cụt vậy.
7. Những biện pháp phòng tránh thai khi đang trong thời gian đi học.
Với những bạn đang đi học trên nước Đức, việc một bạn trai và một bạn gái sống chung với nhau là điều hoàn toàn bình thường.
Nhưng các bạn nên chú ý các biện pháp phòng tránh thai để tránh ảnh hưởng đến việc học tập hay bị cắt hợp đồng đào tạo.
Những biện pháp phòng tránh thai.
1. Sử dụng bao cao su đối với bạn trai. Đây là biện pháp đơn giản nhất. Các bạn có thể mua ở Rossman hoặc DM hoặc ở những máy bán tự động nơi công cộng hoặc trong nhà vệ sinh
2. Các bạn nữ có thể uống thuốc điều khiển hóc môn. Tuy nhiên cách này yêu cầu các bạn phải uống đều đặn, dù chỉ quên một ngày cũng sẽ dẫn đến việc mang thai.
Trong trường hợp khẩn cấp bạn có thể ra bác sỹ và xin đơn thuốc để mua loại thuốc chống đậu thai trong vòng 72 giờ sau khi quan hệ.
Làm thế nào để biết mình mang thai.
Cách đơn giản nhất là các bạn dùng que thử thai (bạn có thể mua ở Rossman hoặc DM…) Nếu nên 2 vạch rõ ràng thì tức là bạn đang mang thai.
Khi đó bạn phải gọi điện để đặt Termin bác sỹ phụ khoa để kiêm tra.
Theo quy định của luật pháp Đức bạn chỉ được phép bỏ thai trong khoảng thời gian là 12 tuần đầu tiên. Sau đó thì bạn không thể bỏ thai được nữa mà phải giữ lại
Nếu trong 09 tuần đầu tiên bạn có thể uống thuốc để đẩy thai tự ra một cách tự nhiên. Nếu sau 09 tuần thì sẽ phải dùng biện pháp hút để lấy thai ra.
Nguồn: Văn Phòng luật Relide