Những ngày qua, báo chí và các trang mạng xã hội đã nói quá nhiều về việc tuyển sinh đại học ở Việt Nam.
Do có nhiều năm sống và công tác ở CHLB Đức, có hai con đã và đang học đại học ở Đức, tôi xin nêu cách tuyển sinh và học đại học ở Đức để bạn đọc tham khảo.
CHLB Đức là một nhà nước liên bang, trong đó giáo dục thuộc thẩm quyền của bang, vì vậy, mặc dù có những tiêu chí chung của liên bang, nhưng hệ thống giáo dục ở mỗi bang cũng có những điểm khác biệt riêng.
Phân loại từ lớp 5
Thông thường từ lớp 5, có bang từ lớp 7, khi hết tiểu học, người ta đã bắt đầu phân loại học sinh theo khả năng học tập để giới thiệu về 3 loại trường trung học có chương trình dạy học khác nhau, với những mục đích khác nhau, đó là các trường Hauptschule, Realschule và Gymnasium.
Học sinh các trường Hauptschule (có thể dịch nghĩa là trường chính) thông thường chỉ học hết lớp 9 hoặc lớp 10 là hết chương trình phổ thông để chuyển sang học nghề và đi làm. Học sinh các trường Realschule (có nghĩa là trường thực tế) thông thường học hết lớp 10 là chuyển sang học những nghề có đòi hỏi cao hơn trường Hauptschule, vì trong quá trình giảng dạy, yêu cầu đối với học sinh cũng cao hơn, hoặc nếu học khá có thể xin chuyển sang trường Gymnasium.
Những học sinh học Gymnasium thông thường có thể học hết lớp 12, sau đó làm bằng tú tài và đăng ký vào đại học. Học trường Gymnasium, học sinh phải học ít nhất là 2 ngoại ngữ. Trong trường hợp học sinh gốc Việt, tiếng Việt không được coi là một ngoại ngữ, nên ngoài tiếng Đức phải học thêm 2 ngoại ngữ nữa, ví dụ như tiếng Anh và tiếng Pháp.
Ở Đức không tổ chức thi vào đại học, ngoại trừ một số trường thi chọn năng khiếu như năng khiếu hội họa đối với ngành kiến trúc. Điểm để tính tốt nghiệp và cấp bằng tú tài, trên cơ sở đó được xét chọn vào đại học là điểm tổng kết bình quân của 2 năm học cuối, cũng như điểm thi tốt nghiệp. Trong 2 năm học cuối là lớp 11 và 12, học sinh có thể chọn 2 môn mình thích nhất và khá nhất để làm môn học chính (được gọi trong tiếng Đức là Kurs), khi thi sẽ được tính hệ số 2, ngoài ra sẽ phải thi một số môn bắt buộc khác.
Do học theo Kurs, trong hai năm cuối, coi như mỗi học sinh có một thời khóa biểu riêng, giờ học và địa điểm riêng giữa những người cùng Kurs trong trường. Điều này rất quan trọng để khuyến khích năng khiếu từng người, vì có người cực giỏi ngoại ngữ, nhưng lại rất dốt toán chẳng hạn…
Coi trọng kiến thức xã hội, kỹ năng diễn thuyết
Hệ thống giáo dục phổ thông của Đức rất toàn diện, không chỉ chú trọng những "môn chính" như toán, lý, hóa, văn... như ở Việt Nam, mà cung cấp nhiều kiến thức xã hội như âm nhạc, hội họa, bơi và các kỹ năng sống... để phục vụ cho cuộc sống của các em sau này.
Đặc biệt, hệ thống giáo dục của Đức rất quan tâm tới việc tập cho học sinh kỹ năng trình bày vấn đề, diễn thuyết trước đông người. Từ lớp 7, lớp 8, học sinh đã tự chọn chủ đề, tìm tài liệu để viết một bài thuyết trình về vấn đề đó để nói trước lớp. Nếu hai học sinh cùng viết về một chủ đề, nhưng có quan điểm khác nhau cũng không sao. Nếu hai người có lập luận chặt chẽ, đều có thể được điểm cao. Qua đó mới hiểu, vì sao chính khách Đức thường có tài hùng biện.
Lễ tốt nghiệp trường phổ thông và trao bằng tú tài (Abitur) thường được tổ chức rất trọng thể dưới hình thức một dạ hội, trang trọng hơn cả lễ trao bằng tốt nghiệp đại học và trên đại học, vì nó đánh dấu một sự trưởng thành sau mười mấy năm trời ngồi trên ghế nhà trường để rồi từ nay bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời.
Bằng tú tài ở Đức cũng được đánh giá cao. Theo con số thống kê, trong tổng số học sinh trung học Đức, chỉ có khoảng 34,4% được chọn vào học Gymnasium và trong đó, từ 4-5% không đủ điểm để tốt nghiệp phổ thông và nhận bằng tú tài. Trong năm 2014 có tổng cộng 432.700 học sinh được nhận bằng tú tài và có điều kiện để đăng ký vào học ở các trường đại học.
Nhưng những học sinh không có bằng tú tài vẫn có thể học nghề với hệ thống kép, vừa học vừa làm, sau ba năm có trình độ chuyên môn giỏi là công nhân lành nghề cũng rất được ưa chuộng. Thậm chí nhiều học sinh còn thích ra học nghề, sau đó dễ xin việc, nhanh kiếm được tiền hơn học đại học, cho dù thu nhập thấp hơn. Phải chăng ở Việt Nam có thời kỳ hay than phiền “Thừa thầy, thiếu thợ” là thiếu công nhân lành nghề, tay nghề cao?
Sau khi có bằng tú tài với điểm tốt nghiệp, được coi là tiêu chuẩn quan trọng nhất để được xét tuyển vào đại học, học sinh sẽ tìm hiểu các ngành mà mình muốn học, các trường mà mình muốn học và điểm số của mình có thể đáp ứng yêu cầu của ngành và trường đó hay không, dựa trên điểm chuẩn của năm trước.
Nhìn chung, những ngành “hot” ở những trường danh tiếng ở những thành phố lớn sẽ đòi hỏi điểm chuẩn cao hơn ở những nơi khác. Học sinh có thể làm tới 10 bộ hồ sơ để đăng ký học các ngành, trường khác nhau cũng không sao. Trường nào nhận sinh viên sẽ viết thông báo nhận và nếu có nhiều trường nhận, học sinh có thể cân nhắc trước khi có quyết định cuối cùng và nộp hồ sơ gốc để nhập học trước thời hạn chót.
Nếu qua thời hạn chót mà không đến nộp hồ sơ gốc coi như không muốn học và bị xóa tên. Nếu điểm tốt nghiệp không cao vẫn có thể đăng ký học đại học những ngành có ít sinh viên hoặc ở các thành phố nhỏ, thậm chí có những ngành không đòi hỏi điểm chuẩn.
Như vậy, việc vào được đại học ở Đức không khó lắm, nhưng đại học ở Đức đòi hỏi chất lượng cao nên tốt nghiệp được mới là khó. Ở Việt Nam, vào được đại học rất khó, nhưng đã đỗ vào được đại học thì có lẽ hầu hết sẽ tốt nghiệp và có tấm bằng đại học. Nhưng ở Đức thì khác, theo con số thống kê có tới 1/4 số sinh viên phải bỏ dở hoặc chuyển sang học ngành khác. Đối với khoa toán thì có tới một nửa số sinh viên phải bỏ học giữa chừng, tiếp theo đó là các ngành khoa học – kỹ thuật. Thậm chí con trai tôi học toán kinh tế, năm đầu có 400 sinh viên, năm sau chỉ còn 100. Đừng tưởng vào được đại học ở Đức là yên, chất lượng mới là quyết định!
Vì được đảm bảo chất lượng, nên không chỉ bằng tốt nghiệp đại học ở Đức, mà bằng tú tài cũng được đánh giá rất cao, các trường đại học ở Anh, Mỹ đều sẵn sàng nhận các sinh viên đã tốt nghiệp trung học ở Đức.
Văn Long - Bài đã đăng trên Tuanvietnam