1. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng nhiệt
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã bước sang năm thứ hai trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu suy thoái. Sau các đòn áp thuế "ăn miếng trả miếng", giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau lần lượt là 550 tỷ USD và 185 tỷ USD. Một diễn biến bất ngờ được thị trường chờ đợi sau nhiều tháng căng thẳng thương mại khi Mỹ và Trung Quốc mới đây đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 và dự kiến ký văn bản vào đầu tháng 1-2020.
2. Anh chưa tìm được hồi kết cho Brexit
Hơn 3 năm sau khi đa số người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc từ bỏ tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, xứ sở Sương mù vẫn chưa thể "dứt áo ra đi". Những mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền về cách thức "ly hôn" cùng sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong xã hội Anh về việc đi hay ở đang đẩy quốc đảo này vào bế tắc. Chỉ trong vòng 3 năm, nước Anh đã phải thay đến 3 thủ tướng. Không chỉ gây ra khủng hoảng trên chính trường, tiến trình Brexit còn khiến nền kinh tế nước này đứng trên bờ vực suy thoái trong năm 2019.
3. Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bế tắc
Sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 2-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới nay vẫn chưa "dứt điểm" được vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên do bất đồng về cách thức kiểm chứng cũng như thời điểm nới lỏng các lệnh trừng phạt. Giữa lúc quá trình đối thoại không đạt tiến triển, Triều Tiên đã 14 lần phóng tên lửa và thử vũ khí trong năm 2019.
Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế
4. Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang
Cuộc đối đầu dai dẳng giữa Mỹ và Iran là một trong những nguyên nhân khiến tình hình Trung Đông năm qua luôn trong tình trạng cận kề "miệng hố chiến tranh". Trong khi Mỹ liên tục áp đặt hàng loạt biện pháp siết chặt trừng phạt thì nước Cộng hòa Hồi giáo lại thực hiện những bước đi hướng tới giảm dần các cam kết theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Washington đã đơn phương rút khỏi. Vụ việc Iran bắt tàu chở dầu Stena Impero của Anh tại eo biển Hormuz hay việc Mỹ cáo buộc Iran gây ra các vụ tấn công vào 2 nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia làm căng thẳng leo thang chóng mặt, khiến bất kỳ bước đi thiếu kiểm soát nào cũng có thể trở thành "giọt nước tràn ly" đe dọa an ninh khu vực.
5. Trái đất đối mặt với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu
Lần đầu tiên 11.000 nhà khoa học đến từ hơn 150 quốc gia đã cùng đưa ra cảnh báo trái đất đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu với nhiều kỷ lục đáng buồn được thiết lập. Thế giới liên tục trải qua những tháng có nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử 140 năm nay; vụ cháy rừng Amazon tàn phá "lá phổi xanh"; những trận siêu bão có sức tàn phá khủng khiếp, trong khi ô nhiễm rác thải nhựa ở mức báo động. Làn sóng biểu tình đòi các chính phủ có giải pháp chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đã lan rộng, song các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) ở Tây Ban Nha vẫn không nhất trí được lộ trình thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khi Mỹ đã chính thức rút khỏi thỏa thuận này.
6. Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự tấn công người Kurd tại Syria
Sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch quân sự Suối nguồn hòa bình nhằm vào lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria mà Ankara cáo buộc là khủng bố. Động thái này ngay lập tức vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế khi các cuộc pháo kích và giao tranh dữ dội làm dấy lên lo ngại về sự trở lại của bóng ma chiến tranh và bất ổn đối với cả khu vực Trung Đông, đồng thời làm gia tăng nguy cơ trỗi dậy của tàn quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
7. Tiến trình hòa bình Trung Đông gập ghềnh
Trong năm 2019, Nhà Trắng đã công bố một phần kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi, hay còn gọi là "Thỏa thuận thế kỷ". Trái với kỳ vọng về việc mang lại một tương lai ổn định, hóa giải mâu thuẫn lịch sử giữa Israel và Palestine, bản kế hoạch lại khiến dư luận thế giới quan ngại khi khoét sâu đối đầu giữa hai bên, không quan tâm tới các quyền của người Palestine cũng như luật pháp và sự đồng thuận quốc tế, đẩy Trung Đông vốn đã rối ren càng lún sâu thêm vào khủng hoảng.
8. Căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc
Căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh chủ chốt của Mỹ tại châu Á đã tồn tại từ lâu và chủ yếu xuất phát từ vấn đề lịch sử, song hai bên thực sự rơi vào thế đối đầu khi ngày 1-7, Chính phủ Nhật Bản hạn chế việc xuất khẩu nhiều vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất bán dẫn và thiết bị hiển thị, vốn là thế mạnh của Hàn Quốc. Bắt đầu từ vấn đề thương mại, ngọn lửa xung khắc lan sang các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng. Hai nước đang trong quá trình đàm phán tìm cách hạ nhiệt căng thẳng nhưng chưa tìm được lối thoát cụ thể nào.
9. Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)
Ngày 2-8, Mỹ chính thức kích hoạt quá trình rút khỏi Hiệp ước INF đã ký kết với Nga. Đây được xem là "bước lùi" nguy hiểm, tạo ra khoảng trống trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược quốc tế bởi văn bản này vốn được xem là "hòn đá tảng" cho việc duy trì hòa bình thế giới suốt hơn 3 thập kỷ qua. Các chuyên gia nhận định, cùng với việc rút khỏi INF, nếu trong thời gian tới, Mỹ không gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) với Nga, thế giới sẽ có nguy cơ bị đẩy tới gần với tình huống đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân như từng xảy ra đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
10. Thủ lĩnh IS bị tiêu diệt - chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối đe dọa của nhân loại
Cuối tháng 10-2019, thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ vào tỉnh Idlib ở miền Tây Bắc Syria. Đây là đòn giáng mạnh vào tàn quân IS tại khu vực, tạo bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố do xứ Cờ hoa phát động. Song năm qua, thế giới vẫn chấn động bởi các vụ khủng bố. Những vụ tấn công đẫm máu như vụ xả súng tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand khiến 51 người thiệt mạng hay vụ đánh bom liên hoàn ở Sri Lanka với con số thương vong lên tới hơn 300 người là lời nhắc nhở rằng bóng ma khủng bố vẫn còn đó và có thể trỗi dậy bất kỳ lúc nào.
Nguồn: hanoimoi.com.vn