Quốc hội Trung Quốc tuần trước thông qua hiến pháp sửa đổi, xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch, làm dấy lên những đồn đoán rằng ông Tập Cận Bình có thể trở thành Chủ tịch trọn đời của nước này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có nhiều lý do khiến ông Tập khó có thể nắm giữ quyền lực tuyệt đối cho tới cuối đời, theo SCMP.
Ông Tập cho đến nay vẫn chưa nói rõ mình sẽ nắm quyền đến lúc nào, khi hiến pháp sửa đổi cho phép ông tiếp tục tại vị sau khi nhiệm kỳ hai kết thúc vào năm 2023. Trả lời truyền thông quốc tế hôm 4/3, người phát ngôn quốc hội Trung Quốc Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui) chỉ nói rằng việc sửa đổi hiến pháp giúp "tăng cường và cải thiện hệ thống lãnh đạo của Trung Quốc".
People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), đề cập cụ thể hơn trong bài xã luận về tầm quan trọng của sửa đổi hiến pháp, khẳng định các lãnh đạo đảng và nhà nước vẫn sẽ tuân thủ các quy định về quá trình nghỉ hưu. Bài viết này còn trích một đoạn trong điều lệ CPC, nhấn mạnh "cán bộ lãnh đạo ở mọi cấp, dù là được bầu qua quá trình dân chủ hay do cơ quan lãnh đạo bổ nhiệm, đều không giữ nhiệm kỳ trọn đời".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.
Đặng Duật Văn (Deng Yuwen), chuyên gia tại Viện nghiên cứu Charhar, cho rằng với việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch, ông Tập muốn tập trung hóa quyền lực cao độ để có thể huy động chính phủ và người dân cùng hợp sức để hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" do ông đề xướng. Do vậy ông sẽ nắm giữ quyền lực cao nhất cho đến khi hoàn thành được tham vọng này chứ không phải cầm quyền trọn đời.
Đặng chỉ ra ba lý do khiến ông Tập khó có thể trở thành chủ tịch suốt đời của Trung Quốc. Thứ nhất, để có thể giành được sự ủng hộ cho việc xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch đã được duy trì suốt 36 năm qua, ông Tập chắc chắn đã phải đảm bảo với các lãnh đạo cấp cao khác của CPC rằng ông sẽ không nắm quyền mãi mãi.
Quy định giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề xướng và đưa vào hiến pháp sửa đổi năm 1982, nhằm ngăn chặn sự tái diễn của tình trạng hỗn loạn dưới thời Cách mạng Văn hóa, khi ông Mao Trạch Đông giữ chức chủ tịch đảng cho đến khi qua đời năm 1976.
Trong hơn ba thập kỷ qua, quy định giới hạn nhiệm kỳ này đã tạo điều kiện cho hai lần chuyển giao quyền lực suôn sẻ của Trung Quốc từ Giang Trạch Dân tới Hồ Cẩm Đào năm 2002 và từ Hồ Cẩm Đào tới Tập Cận Bình năm 2012. Quy định này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các đảng viên và toàn xã hội Trung Quốc, khi nó góp phần tạo thuận lợi cho sự ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Bởi vậy, để xóa bỏ được giới hạn nhiệm kỳ này, ông Tập cần phải nhận được sự đồng thuận từ các thành viên cấp cao của CPC. Nếu ông quyết thay đổi hiến pháp khi không có được sự đồng thuận như vậy, ông có thể gây ra tình trạng chia rẽ trong giới lãnh đạo, điều có thể cản trở nỗ lực thực hiện tham vọng "Giấc mơ Trung Hoa" của ông.
Để thuyết phục được các đảng viên lão thành, ông Tập nhiều khả năng phải cam kết sẽ không "tham quyền cố vị" và không phá bỏ những nguyên tắc căn bản trong việc chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm, theo ông Đặng.
Lý do thứ hai khiến ông Tập khó có thể nắm giữ quyền lực suốt đời là nguy cơ vấp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận trong nước và thế giới. Những bình luận trên mạng xã hội ngay sau khi Trung Quốc thông báo về việc thay đổi hiến pháp nhằm xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch cho thấy nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu và tự do không hoàn toàn nhất trí với động thái này.
Ông Tập bắt tay các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.
Dù những bình luận phản đối nhanh chóng bị xóa bỏ trên mạng xã hội Trung Quốc, điều này cho thấy nỗ lực củng cố quyền lực của ông Tập đã phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng. Nếu ông Tập tìm cách nắm quyền trọn đời, sự hoài nghi trong dư luận sẽ tăng lên, cản trở tham vọng thống nhất lòng dân để đưa Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu thế giới mà ông từng vạch ra.
Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc hiện nay là kết quả của quá trình phát triển kinh tế thịnh vượng trong điều kiện xã hội ổn định suốt nhiều thập kỷ qua, khi nước này áp dụng quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với nhà lãnh đạo. Việc bãi bỏ quy định vốn đã ăn sâu vào nhận thức của tầng lớp trung lưu như vậy sẽ tác động đến tình cảm của họ và ông Tập chắc chắn không muốn đánh mất sự ủng hộ của dư luận bằng việc giữ ghế suốt đời.
Sự kiện quốc hội Trung Quốc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch còn gây ra những nghi ngại trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây. Sự nghi ngại này có thể khiến những lời chỉ trích ông Tập tăng lên, ảnh hưởng xấu đến nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Lý do thứ ba, theo ông Đặng, khiến Chủ tịch Tập không muốn và khó có thể nắm quyền trọn đời đến từ yếu tố lịch sử. Là người đam mê lịch sử và muốn thực hiện sứ mệnh lịch sử là khôi phục vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, ông Tập biết rất rõ hậu quả của việc "tham quyền cố vị" từ các bài học trong quá khứ.
Chuyên gia Đặng cho rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà lãnh đạo dù đạt được những thành tựu lớn lao đến đâu cũng cần phải biết dừng lại và chuyển giao quyền lực đúng lúc. "Đây là quy luật của lịch sử", ông nhấn mạnh.
Từ những lý do này, Đặng Duật Văn tin rằng ông Tập sẽ nắm quyền thêm 3-4 nhiệm kỳ nữa, cho đến năm 2032 hoặc 2037, để hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Giấc mơ Trung Hoa. Trong Đại hội 19, ông Tập cũng đã chỉ ra rằng giai đoạn đầu tiên của Giấc mơ Trung Hoa sẽ kết thúc vào năm 2035, khi Trung Quốc hoành thành quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Sau thời điểm này, quá trình chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm nhiều khả năng sẽ được bắt đầu.
Nguồn: Trí Dũng
Vnexpress