Dưới đây là 3 viễn cảnh tương lai của chính quyền Tổng thống Biden giữa bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong nước cũng như trên thế giới.

Thành công hoặc thất bại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden sẽ được quyết định bởi cách thức ông đối mặt và giải quyết những vấn đề nan giải của đất nước cũng như các mối quan hệ quốc tế.

Nhà lãnh đạo Mỹ đang theo đuổi một chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại, kinh tế, xã hội đầy tham vọng giữa bối cảnh nước này đang trải qua những thách thức nghiêm trọng, từ đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế cho tới cách biệt sít sao giữa lưỡng đảng trong Quốc hội.

Ông Biden hy vọng có thể khôi phục linh hồn nước Mỹ và sự đoàn kết lưỡng đảng, nhưng vị Tổng thống này sẽ đối mặt với phép thử lớn lao bởi lập trường kiên quyết của đảng Cộng hòa và những chia rẽ khó hàn gắn trong chính trường cũng như trong xã hội Mỹ.

42 1 3 Vien Canh Tuong Lai Cua Chinh Quyen Tong Thong Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Dựa trên những triển vọng và thách thức, dưới đây là 3 viễn cảnh có thể xảy ra với chính quyền Mỹ mới của ông Biden.

Viễn cảnh 1: Bị kìm hãm bởi sự chia rẽ trong chính trường Mỹ

100 ngày đầu tiên của ông Biden chủ yếu tập trung vào việc tiêm vaccine diện rộng, thúc đẩy việc mở cửa trở lại trường học và nền kinh tế cũng như đảo ngược hàng loạt chính sách của cựu Tổng thống Trump. Trong viễn cảnh lý tưởng nhất, với sự ủng hộ của những thành viên đảng Dân chủ nghiêng nhiều hơn về quan điểm bảo thủ và các thành viên đảng Cộng hòa chống Trump, ông Biden sẽ thông qua được gói cứu trợ nhằm giảm tác động của đại dịch Covid-19 cho chính quyền các bang, các địa phương, nhà hàng và doanh nghiệp nhỏ. Cho tới tháng 6/2021, sẽ có 70% người Mỹ được tiêm vaccine. Với việc mở cửa trở lại từng giai đoạn, nền kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục.

Tuy nhiên, hiện nay, khả năng điều hành đất nước của ông Biden vẫn bị kìm hãm bởi sự chia rẽ đảng phái trong chính trường Mỹ. Những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump vẫn tỏ thái độ chống đối ông Biden và bất kỳ thành viên đảng Cộng hòa nào hợp tác với tân Tổng thống Mỹ.

Các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội lo sợ sự nhượng bộ của họ với ông Biden sẽ khiến nền tảng cử tri của ông Trump xa rời họ.

Các chính sách về biến đổi khí hậu của chính quyền ông Biden khi đó sẽ phải thu hẹp quy mô. Các dự luật về thuế, vốn là nền tảng trong chương trình nghị sự của ông Biden sẽ gặp phải nhiều trở ngại. Ngoài ra, những nỗ lực nhằm bổ sung sự lựa chọn của công chúng với Đạo luật Chăm sóc Y tế hợp túi tiền hay việc thông qua những cải cách về chương trình nhập cư cũng có nguy cơ không được thông qua.

Trên thế giới, chính quyền ông Biden có kế hoạch tham gia lại vào các thể chế và thỏa thuận quốc tế, cũng như "làm sống lại" các liên minh và sự hợp tác đa phương. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Biden là một chuyện, kế hoạch của các nước khác lại là chuyện khác.

Mỹ đang tìm cách tham gia lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran và các quốc gia khác. Tuy nhiên, Tehran kêu gọi Washington phải giảm nhẹ các lệnh trừng phạt như một điều kiện tiên quyết của việc làm sống lại thỏa thuận này cũng như những nội dung đàm phán mới, đồng thời ra yêu cầu Mỹ phải hạn chế việc buôn bán vũ khí với các nước vùng Vịnh để đổi lấy việc Iran dừng buôn bán và phát triển tên lửa. Các đòi hỏi của Iran đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ Quốc hội Mỹ và phía Israel.

Về kinh tế, các lệnh hạn chế đi lại do Covid-19 vẫn tiếp tục được thực hiện bởi chính quyền của ông Biden lo ngại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang xâm nhập vào nước Mỹ. Một số quốc gia Mỹ Latin, châu Phi và các nước đang phát triển gần như không có khả năng trả nợ đang làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và một cuộc họp khẩn cấp của G20 có thể sẽ được triệu tập để giải quyết tình trạng này.

Các đồng minh châu Âu mặc dù hào hứng với việc nối lại quan hệ thân thiết với Mỹ nhưng sự thiếu tin tưởng giữa 2 bên vẫn phủ bóng lên mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhất là sau khi Liên minh châu Âu phớt lờ lời cảnh báo của ông Biden về thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.

Quốc hội, với nhiều người coi Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng, sẽ cản trở những nỗ lực của ông Biden nhằm tạo ra một khung chương trình ổn định để giải quyết sự cạnh tranh với Bắc Kinh. Có cùng lập trường với EU, Nhật Bản và Australia, ông Biden sẽ thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chấm dứt những lỗ hổng cho phép Trung Quốc được hưởng lợi trong hệ thống thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, những người cấp tiến chống các thỏa thuận thương mại và các thành viên đảng Cộng hòa theo phe ông Trump có thể sẽ phản đối kế hoạch này tại Quốc hội.

Viễn cảnh 2: “Thuận buồm xuôi gió” thực hiện các chính sách

Đối mặt với những cáo buộc về gian lận thuế và những khoản nợ khổng lồ, ông Trump có thể dần mờ nhạt như một nhân tố chính trị. Khi đó, đảng Cộng hòa trong Quốc hội sẽ ít bị ảnh hưởng bởi nền tảng cử tri của ông Trump khi họ tìm kiếm ứng viên tranh cử tổng thống năm 2024.

Ở viễn cảnh này, nếu kế hoạch đối phó với đại dịch Covid-19 của ông Biden thành công, 70% người Mỹ sẽ được tiêm vaccine vào tháng 6. Việc mở cửa trở lại theo từng giai đoạn được thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế bắt đầu từ quý 2/2021. Ông Biden thông qua được gói cứu trợ nhằm giảm tác động của Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD, giúp cho các nhà hàng, doanh nghiệp nhỏ có thể hoạt động trở lại. Ông cũng nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng về dự luật cơ sở hạ tầng, theo đó đầu tư vào đường sắt và các phương tiện đô thị, đa dạng hóa các trung tâm sáng tạo công nghệ, thúc đẩy năng lượng tái chế và tạo 1 triệu việc làm vào năm 2023.

Với sự ủng hộ của lưỡng đảng, ông Biden cũng có thể thông qua và mở rộng hàng loạt chương trình, từ hỗ trợ học phí, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền cho tới những nỗ lực nhằm cải cách các chính sách nhập cư hay các chương trình nghị sự về năng lượng và khí hậu.

Về chính sách đối ngoại, ở kịch bản lý tưởng nhất, những nỗ lực của ông Biden nhằm thúc đẩy một lập trường chung với EU, Nhật Bản, Australia về các hành vi bất bình đẳng về thương mại của Trung Quốc sẽ thành công. Điều này thúc đẩy Bắc Kinh phải mở cửa thị trường nhiều hơn, giảm trợ cấp nhà nước, đồng thời kêu gọi cải tổ WTO giữa bối cảnh EU, vốn dựa vào Trung Quốc về xuất khẩu đang ngần ngại đối đầu với Bắc Kinh về công nghệ và nhân quyền.

Chính quyền ông Biden cũng sẽ có những bước đi thận trọng trong chính sách với Iran khi duy trì các cuộc trao đổi với các quan chức nước Cộng hòa hồi giáo này. Những thỏa thuận nhỏ sẽ được xây dựng trước khi nâng cấp dần lên nhằm củng cố niềm tin giữa 2 bên. Mỹ sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân dựa trên cơ sở Iran cam kết dừng làm giàu uranium để đổi lấy việc Washington giảm bớt các lệnh trừng phạt. Đây sẽ là bước khởi đầu trong quá trình Mỹ dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt để Iran nhất trí mở rộng việc giới hạn chương trình hạt nhân thêm 15 năm và đàm phán về việc hạn chế chương trình tên lửa. Các nước vùng Vịnh và Iran, vốn đều thận trọng về những nguy cơ dẫn đến chiến tranh, sẽ có các bước đi thăm dò hướng đến làm dịu tình hình khu vực.

Viễn cảnh 3: Một nhiệm kỳ u ám

Chính quyền ông Biden cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng quốc tế, "phủ bóng" lên các chính sách đối nội và đối ngoại của ông.

Trung Quốc ban đầu có thể hoan nghênh những nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm làm giảm căng thẳng nhưng Tổng thống Mỹ sẽ đứng trước sức ép ngày càng gay gắt nhằm duy trì một lập trường cứng rắn trước những động thái quyết đoán của Trung Quốc.

Với việc quan hệ Mỹ - Trung "dậm chân tại chỗ", những cuộc thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt thuế quan với hàng hóa Trung Quốc và giảm bớt các hạn chế với các công ty công nghệ Trung Quốc đang được cân nhắc. Tuy nhiên, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều cảnh báo ông Biden không được "mềm mỏng" với Bắc Kinh.

Việc Thủ tướng Angela Merkel kết thúc nhiệm kỳ sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9/2021 cũng thay đổi chính sách của nước này với Trung Quốc. Các biện pháp đáp trả leo thang căng thẳng giữa Mỹ, EU và Trung Quốc sẽ bắt đầu tác động tới cả 3 nền kinh tế. Thị trường chứng khoán lao dốc trong bối cảnh sự chia tách lịch sử giữa Trung Quốc và phương Tây diễn ra mạnh mẽ.

Trong khi đó, tại Trung Đông, các cuộc biểu tình của người Palestine có xu hướng biến thành các cuộc bạo loạn sau thông báo xây dựng thêm các khu định cư của người Do Thái ở Đông Jerusalem và khu Bờ Tây. Trong suốt cuộc khủng hoảng, Israel cáo buộc Iran đang thúc đẩy việc cung cấp các tên lửa có độ chính xác cao và cử các cố vấn về kỹ thuật đến cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Dải Gaza.

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, củng cố lập trường của những người có quan điểm cứng rắn tại Iran.

Ở một viễn cảnh tồi tệ hơn, Israel sẽ tấn công các địa điểm tên lửa và hạt nhân của Iran, đồng thời kêu gọi sự hậu thuẫn từ Washington. Với sự nhất trí của lưỡng đảng, ông Biden có thể sẽ quyết định tấn công Iran nhưng Tổng thống Mỹ hiểu rõ điều này sẽ làm gia tăng sức ép và khiến Iran đáp trả. Tehran có thể sử dụng khả năng về máy bay không người lái và tên lửa dẫn đường để tấn công các nước vùng Vịnh, trong đó có các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Cái giá của sự leo thang này là giá năng lượng toàn cầu sẽ tăng vọt.

Ngay cả khi chứng kiến nền kinh tế khôi phục mạnh mẽ hay chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 thành công ở Mỹ thì chính quyền của Tổng thống Biden cũng phải đối đầu với một cuộc suy thoái toàn cầu khác do căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc và Iran leo thang. Ông Biden hy vọng tập hợp được các bên có cùng lập trường mạnh mẽ với ông về việc đối phó với Bắc Kinh nhưng nếu đảng Dân chủ mất cả Thượng viện và Hạ viện, những kế hoạch lớn của ông Biden nhằm xây dựng lại vị trí của nước Mỹ có thể sẽ bị "xếp xó".

Nguồn: vov




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC