Công ty Morning Consult (có trụ sở tại Washington, D.C) ngày 30-4 công bố báo cáo cho thấy sự thay đổi tỉ lệ ủng hộ của người dân với các nhà lãnh đạo tính tới giữa tháng 4 so với khi dịch mới bùng phát.
Công ty này theo dõi những thay đổi trong tỉ lệ ủng hộ của người dân với 10 nhà lãnh đạo, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đức, Canada, Úc, Ý.
Qua theo dõi Morning Consult nhận thấy sau những giai đoạn tăng vọt tỉ lệ ủng hộ ban đầu lúc dịch mới bùng, một số tỉ lệ ủng hộ đã "kịch trần" hoặc bắt đầu giảm.
Tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, đã giảm xuống 27%, mất 9 điểm % so với cuối tháng 3. Đây cũng là mức tỉ lệ ủng hộ thấp nhất trong số 10 lãnh đạo mà Công ty Morning Consult theo dõi trong báo cáo.
Tại Mỹ, khi được hỏi quan điểm đánh giá về cách Tổng thống Trump ứng phó dịch COVID-19, người dân ủng hộ ông nhiều nhất ở giải pháp hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng và ít ủng hộ nhất trong cách ông xử lý vấn đề phát triển vắcxin và triển khai xét nghiệm corona.
Ông Trump trong một cuộc họp báo về corona - Ảnh: AFP
Theo tạp chí Vox, đầu tháng 4, tỉ lệ ủng hộ ông Trump đạt 46% theo công cụ thăm dò của trang web FiveThirtyEight, cũng là mức cao nhất kể từ 25-1-2017 và tăng 6 điểm % so với đầu tháng 11 năm ngoái. Sau đó, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 43%. Các mức tăng lên trong tỉ lệ ủng hộ ông Trump nhờ những giải pháp ứng phó dịch.
Trong khi đó, để so sánh, giữa tháng 4, lãnh đạo của các nền kinh tế lớn khác đều đã tăng từ 10-20 điểm % tỉ lệ ủng hộ so với một tháng trước, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch.
Cụ thể, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tăng 16%, Thủ tướng Úc Scott Morrison tăng 25%. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tăng 18% bất kể chính phủ của ông đối mặt với nhiều chỉ trích về cách chống dịch.
Ngay cả Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cũng tăng vọt tỉ lệ ủng hộ từ 27% lên 71% dù phản ứng ban đầu với dịch của chính phủ ông từng được xem như bài học cảnh giác cho những nước khác.
Nguồn: Tuổi trẻ