Thẩm phán liên bang George O'Toole hôm 10/2 ra lệnh hoãn kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm trả khoảng 7 tháng lương cho hàng triệu nhân viên liên bang nếu họ đồng ý tự nguyện nghỉ việc theo kế hoạch tinh giản bộ máy chính phủ. Tuy nhiên, thẩm phán chưa ra được phán quyết về việc liệu đề nghị của Tổng thống có hợp lệ hay không.
Trong thời gian chờ đợi, các nhân viên chính phủ Mỹ một lần nữa phải tự hỏi tương lai họ sẽ ra sao, khi chương trình kêu gọi họ thôi việc hàng loạt của Tổng thống Trump vẫn chưa rõ ràng.
Người biểu tình tụ tập bên ngoài Văn phòng Quản lý Nhân sự tại Washington để phản đối chiến dịch sa thải của chính quyền liên bang và yêu cầu Elon Musk rời khỏi Ban Hiệu suất Chính phủ. Ảnh: AFP
"Họ đáng nhẽ nên có cách phản ứng tốt hơn để không khiến chúng tôi trông như những kẻ ngốc", một nhân viên từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) nói về đề xuất thôi việc tự nguyện từ chính quyền Trump. "Tôi thực sự hy vọng chuyện này sớm được giải quyết để tôi có thể ngủ ngon".
Nhiều nhân viên liên bang cho biết niềm tin của họ đối với chính quyền mới đã sụt giảm nghiêm trọng khi họ đối mặt những hỗn loạn suốt thời gian qua, nguy cơ bị sa thải và những lời chế giễu công việc của họ.
Một nhân viên đã làm việc tại Bộ Nội vụ hơn 10 năm cho hay ông không có ý định nhận khoản tiền trợ cấp thôi việc và rất ít đồng nghiệp tại Bộ có vẻ nghiêm túc với đề nghị này, song họ vẫn tìm kiếm các cơ hội bên ngoài chính phủ, đề phòng trường hợp bất ngờ bị sa thải.
David Fitzpatrick, chủ tịch một công đoàn đại diện cho nhân viên Cục Công viên Quốc gia tại Công viên Lịch sử Quốc gia Độc lập ở Philadelphia và một số cơ sở khác ở vùng Đông Bắc, cho biết nhiều thành viên công đoàn của ông đang cảm thấy hối hận khi tham gia chương trình "Ngã ba đường", cái tên được lấy từ chính dòng tiêu đề email mà Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) gửi vào cuối tháng trước đề nghị các nhân viên liên bang chấp nhận thôi việc để nhận trợ cấp.
"Họ thực sự đang rơi vào tình trạng lấp lửng. Họ đã khai tên và đồng ý rời đi nhưng chương trình lại đang bị hoãn", ông nói.
Các nhân viên tại Cục Quản lý Đất đai Mỹ (BLM) cho hay họ thấy vô cùng căng thẳng và tinh thần làm việc đang xuống rất thấp, khi bị coi là nhóm cần phải cắt giảm trong chính quyền Tổng thống Trump.
"Đây thực sự là cơn ác mộng", một nhân viên BLM giấu tên nói. "Bỗng nhiên chúng tôi bị coi như kẻ thù và bị phỉ báng".
Tình hình nóng đến mức tổ chức Quỹ Đất Công cộng, nhóm tập hợp các nhân viên nghỉ hưu có nhiệm vụ hỗ trợ BLM quản lý đất công, cuối tuần trước đăng trên trang web của mình một tuyên bố ủng hộ các nhân viên BLM cũng như công việc họ đang làm.
"Là những cựu công chức đã dành cả sự nghiệp phục vụ người dân Mỹ, chúng tôi hiểu được giá trị trong công việc mà nhân viên BLM thực hiện", tuyên bố nhấn mạnh. "Giá trị của họ là không thể đong đếm được vì những gì họ làm đều mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta".
Một nhân viên lâu năm tại Bộ Năng lượng cũng bày tỏ bất mãn trước sóng sa thải mà các nhân viên liên bang đang phải đối mặt.
"Đề xuất này cho thấy một điểm mù thực sự của những tay nghiệp dư tại Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE). Họ đơn giản là không thể tưởng tượng được rằng những người làm việc ở đây thích công việc này, yêu đất nước này và không muốn thấy các chương trình mà họ làm việc bị sụp đổ", ông cho biết, thêm rằng sẽ không chấp nhận đề nghị thôi việc.
"Toàn bộ những gì đang diễn ra có vẻ rất khiên cưỡng", ông nói.
Một viên chức khác tại Bộ Năng lượng Mỹ cho hay họ đã chọn không chấp nhận đề nghị thôi việc để nhận trợ cấp, dù có kế hoạch sớm nghỉ việc.
"Tôi không tin Elon Musk hay ông Trump và một bản cam kết với họ sẽ trói tay tôi", người này nói, thêm rằng chương trình "Ngã ba đường" có những điều khoản ràng buộc họ về thời gian tìm việc bên ngoài chính phủ.
Ngay cả khi thỏa thuận thôi việc mang lại nhiều tiền hơn về lâu dài, viên chức giấu tên tại Bộ Năng lượng cho hay họ không muốn trở thành một phần của chương trình mà chính quyền có thể "khoe khoang về nó".
Everett Kelley, chủ tịch Liên đoàn Công chức Chính phủ Mỹ, công đoàn liên bang lớn nhất đất nước, hôm 10/2 trả lời các phóng viên tại một hội nghị rằng OPM đã ban hành hướng dẫn về chương trình hỗ trợ thôi việc, hủy bỏ rồi lại ban hành thêm hướng dẫn.
"Họ thậm chí còn không biết họ đang làm gì", Kelley nói.
Những người khác dự đoán tòa án cuối cùng sẽ ra phán quyết rằng chương trình của chính quyền Trump là bất hợp pháp.
Nicole Cantello, chủ tịch AFGE Local 704, đại diện cho một số nhân viên EPA, cho hay họ rất vui vì tòa án đang xem xét kỹ lưỡng chương trình "Ngã ba đường". "Chúng tôi hy vọng tòa án sẽ thấy đề nghị vốn mang tính cưỡng chế và không có bất kỳ đảm bảo nào này là trái luật", bà nói.
OPM vẫn bảo vệ chương trình hỗ trợ thôi việc, khẳng định nó hoàn toàn hợp pháp và những người chỉ trích đang ngăn cản các nhân viên liên bang nắm bắt cơ hội tốt. Theo một phát ngôn viên Văn phòng, số lượng nhân viên liên bang chấp nhận đề nghị này đã lên tới hơn 65.000 và tiếp tục tăng lên.
Theo thỏa thuận, nếu nhân viên liên bang quyết định rời khỏi chính phủ bằng cách nhập từ "từ chức" trong email trả lời tin nhắn "Ngã ba đường" của OPM, họ có thể nghỉ việc mà vẫn nhận lương đến ngày 30/9.
Những người biểu tình tập trung bên ngoài Tòa nhà Liên bang Theodore Roosevelt, trụ sở của Văn phòng Quản lý Nhân sự tại Washington, hôm 5/2. Ảnh: AFP
Nhưng kể từ khi email được gửi đến hơn hai triệu viên chức, công chức liên bang, các điều khoản của thỏa thuận liên tục thay đổi, tạo ra bầu không khí hoài nghi.
Kế hoạch này cung cấp chế độ nghỉ hưu sớm, nhưng sau đó nhân viên vẫn có thể được gọi trở lại làm việc. Ngoài ra, chính phủ chỉ được phép tài trợ tối đa đến giữa tháng 3 và thỏa thuận do chính quyền Trump đưa ra vượt quá giới hạn liên bang về chế độ nghỉ phép có lương và bồi thường chấm dứt hợp đồng.
Mẫu đơn cho chương trình thôi việc cũng cho thấy nhân viên liên bang không thể khởi kiện hay khiếu nại nếu chính phủ không giữ đúng cam kết. "Ban đầu, chúng tôi nghĩ đó là một khoản bồi thường chấm dứt hợp đồng, nhưng hóa ra không phải", Kelley nói.
Fitzpatrick cảnh báo các nhân viên liên bang cần cẩn trọng khi chấp nhận đề nghị thôi việc, vì nó tước bỏ quyền khởi kiện của họ. Ông cũng cho rằng cam kết trả lương đến tháng 9 cho những người tự nguyện thôi việc của chính quyền Tổng thống Trump không thực sự được đảm bảo.
"Tôi phải nói rằng Tổng thống Trump từng đưa ra nhiều cam kết, nhưng ông ấy đã không thực hiện", Fitzpatrick nói.
Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET