Sáng kiến mới nhất của Alibaba được đưa ra nhằm tăng khả năng cạnh tranh của họ ở nước ngoài với các nền tảng khác như Shein, Temu và TikTok Shop - Ảnh: SCMP/SHUTTERSTOCK
Đã 2 tuần trôi qua kể từ khi Taobao, nền tảng bán lẻ hàng đầu thuộc Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, áp dụng dịch vụ giao hàng miễn phí ra nước ngoài cho các đơn hàng quần áo (từ hôm 3-8).
Sự thay đổi quan trọng mang tính chiến lược này của Taobao cho thấy cuộc cạnh tranh đang nóng lên giữa các đối thủ thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc.
Thay đổi chiến lược
Với chính sách trên, Taobao sẽ trợ cấp chi phí giao hàng ra nước ngoài. Các nhà bán hàng trên sàn này sẽ chỉ phải chuyển hàng đến kho của Taobao tại Trung Quốc, sau đó nhà cung cấp dịch vụ hậu cần thông minh Cainiao của Alibaba sẽ xử lý hầu hết các bước còn lại.
Quần áo đủ điều kiện giao miễn phí cũng sẽ có mặt trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế khác của Alibaba như Lazada và AliExpress.
"Sáng kiến này là sự thay đổi mang tính chiến lược nhất của Taobao trong năm nay" - tạp chí Nikkei Asia dẫn lời một giám đốc cấp cao của công ty này. Vị này cho biết thêm sở dĩ họ triển khai chương trình mới này một phần vì tỉ lệ trả lại hàng may mặc cao, nhất là quần áo nữ được đặt mua trong các buổi livestream bán hàng.
Theo chính sách mới, Taobao cũng sẽ chịu luôn phí trả hàng. Hàng hoàn trả sẽ được gửi lại kho hàng ở nước ngoài của Taobao, thay vì gửi trực tiếp cho người bán.
Không chỉ với Taobao, Alibaba cũng đã triển khai chương trình trợ cấp giao hàng ra nước ngoài với những nhà bán hàng trên sàn Tmall, trong bối cảnh gã khổng lồ này đẩy mạnh cạnh tranh với các "đồng hương" như Shein và Temu, theo báo South China Morning Post.
Các nhà bán hàng trong danh mục thời trang, gồm quần áo nam nữ, trang phục thể thao, giày, túi xách và phụ kiện, đều đủ điều kiện tham gia.
Giờ đây những nhà bán hàng đủ điều kiện trên sàn Taobao và Tmall có thể bán trực tiếp sản phẩm của họ cho người mua ở một số thị trường bên ngoài Trung Quốc. Hiện chương trình này hỗ trợ giao hàng đến một số thị trường châu Á như Hong Kong, Singapore, Malaysia và Hàn Quốc... Họ dự kiến bổ sung các địa điểm khác vào cuối năm nay.
"Trong lĩnh vực thời trang nhanh, các nhà kinh doanh quần áo trên Taobao sở hữu lợi thế lớn trên quy mô toàn cầu.
Họ có kinh nghiệm vận hành các cửa hàng thương mại điện tử và được hỗ trợ bởi chuỗi cung ứng của "công xưởng thế giới" (ý chỉ Trung Quốc)" - Alibaba tuyên bố. Được biết thời trang là danh mục sản phẩm cạnh tranh nhất của Taobao.
Cuộc chiến giá cả
Hiện nay cuộc cạnh tranh đang trở nên ngày càng khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. "Sự cạnh tranh gay gắt giữa nhiều ngành khác nhau tại Trung Quốc đã dẫn đến biên lợi nhuận thấp cho các doanh nghiệp, vì vậy chúng tôi đang giúp một số nhà bán hàng hàng đầu trên Taobao khám phá thị trường nước ngoài" - một giám đốc cấp cao của Taobao chia sẻ.
Sáng kiến mới của Alibaba sẽ giúp họ tăng khả năng cạnh tranh với nhà bán lẻ thời trang nhanh nổi tiếng Shein và nền tảng mua sắm giá rẻ quốc tế Temu.
Alibaba được coi là công ty đi đầu trong việc mở rộng mua sắm trực tuyến ở nước ngoài thông qua các nền tảng như AliExpress hoặc Lazada. Tuy nhiên, thời gian qua lợi thế của Alibaba dần bị lu mờ khi Shein, Temu, TikTokShop xuất hiện và hoạt động hiệu quả.
Temu gần đây cũng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tương tự để thu hút nhiều nhà bán hàng Trung Quốc. Các nhà bán hàng và nhà sản xuất sẽ giao hàng của họ đến các kho được chỉ định tại Trung Quốc, còn Temu chịu trách nhiệm về giá cả, tiếp thị và dịch vụ khách hàng.
Hồi tháng 3, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần thông minh Cainiao của Alibaba và đơn vị thương mại điện tử quốc tế AliExpress đã mở rộng dịch vụ giao hàng toàn cầu trong năm ngày đến Mỹ, sau khi triển khai tại Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia, Mexico hồi năm ngoái.
Giữa "cuộc chiến giá cả", Alibaba cũng đã thực hiện một loạt biện pháp để cung cấp cho người mua nhiều món hời hơn, bao gồm tích hợp các dịch vụ của sàn thương mại điện tử 1688 với Taobao.
Tuy nhiên, gã khổng lồ này đã bắt đầu hạ thấp chiến lược "giá thấp tuyệt đối", đặc biệt là sau lễ hội mua sắm 618 hồi tháng 6. Alibaba đang tăng cường tập trung vào tổng giá trị hàng hóa (GMV, thước đo tổng doanh số bán hàng trực tuyến) và giá trị đơn hàng trung bình (AOV), thay vì dựa vào giá thấp để thu hút thêm khách hàng.
Thái Lan thận trọng
Giữa làn sóng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và nỗi lo bán phá giá, Thái Lan đang tìm cách hạn chế bán trực tuyến các loại hàng hóa giao hàng từ nước ngoài.
Theo Bloomberg, vừa qua, trước khi bị bãi nhiệm, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã yêu cầu các cơ quan chính phủ tăng cường ngăn chặn hàng nhập khẩu đáng ngờ, bao gồm kiểm tra chặt chẽ hơn về giấy phép và thông tin đăng ký, thanh toán và kiểm soát chất lượng.
Ông muốn có các biện pháp chống bán phá giá mạnh mẽ hơn đối với cả các giao dịch ngoại tuyến và trực tuyến...
THANH BÌNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online