Những ngày gần đây, thế giới hướng về nước Úc với vụ cháy rừng ở quy mô “đại thảm họa” lớn nhất trong nhiều thập kỷ. 6 triệu hectare đất bị thiêu rụi, hàng chục người thương vong, và đến nửa tỉ sinh vật chết thảm vì ngọn lửa hung dữ.
Cũng chỉ mới năm ngoái (2019) thôi, rừng Amazon khiến cả thế giới phải xót xa vì vụ cháy kỷ lục tàn phá hàng triệu hectare rừng. Rồi Indonesia cháy, Bắc Mỹ cũng cháy, để lại nhiều hậu quả rất thương tâm.
Bạn biết điểm chung của cả 3 vụ cháy là gì không? Thực chất, những khu vực ấy cũng chẳng xa lạ gì với chuyện hỏa hoạn vì chúng xảy ra hàng năm.
Vấn đề nằm ở chỗ những vụ cháy gần đây đều vượt quá tầm kiểm soát, và đều là hậu quả gián tiếp từ quá trình biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu là vấn đề nổi cộm mà Trái đất phải đối mặt trong thập niên vừa qua.
Và theo như các chuyên gia từ Thụy Sĩ và Na-Uy mới đây, có vẻ như nó đã để lại dấu ấn hết sức đậm nét, thể hiện qua mọi kiểu hình thời tiết mỗi ngày trên toàn bộ hành tinh này kể từ khi theo dõi vào năm 2012.
Khí hậu và thời tiết – sự khác biệt giữa cả hai là một chủ đề khiến khoa học phải lưu tâm trong nhiều năm qua.
Dù đôi khi bị dùng lẫn lộn, nhưng nhìn chung có thể phân biệt rằng “thời tiết” là chỉ các yếu tố trong ngắn hạn, còn khí hậu thì ngược lại.
Tuy nhiên theo Reto Knutti – chuyên gia khí tượng từ Thụy Sĩ, ông cảm thấy hai khái niệm này không còn quá tách biệt nữa.
“Thời tiết cũng đang thay đổi, nếu bạn nhìn ở phạm vi toàn cầu,” – Knutti cho biết.
Điều này tức là bản thân thời tiết của một khu vực sẽ không thể hiện được quá trình biến đổi khí hậu, nhưng nếu nhìn rộng ra, mọi sự thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ… đều có dấu vết của con người.
Một số khu vực có thể rất lạnh, lạnh đến kỷ lục cũng được, nhưng các vùng khác lại ấm hẳn lên thì về tổng thể, xu hướng khí hậu sẽ không đổi.
Sử dụng AI để xây dựng mô hình khí hậu, Knutti cùng các cộng sự đã nhận thấy sự thay đổi về thời tiết trong giai đoạn 1951 – 1980 thực sự rất khác so với giai đoạn 2009 – 2018.
Khi phân tích theo từng năm, có vẻ ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đã xuất hiện từ năm 1999. Và đến 2012, nó hiện hữu gần như mỗi ngày.
“Thời tiết trên toàn cầu cho thấy những thông tin quan trọng về khí hậu. Số thông tin ấy có thể được sử dụng dành cho các nghiên cứu xa hơn, về tần suất của những hiện tượng thời tiết cực đoan chẳng hạn,” – Knutti cho biết.
Trong những năm gần đây, các chuyên gia đang dần nhận định được những mối liên hệ mạnh giữa quá trình Trái đất nóng lên và kiểu hình thời tiết.
Dù không thể khẳng định 1 trận bão có liên quan đến biến đổi khí hậu, nhưng rõ ràng tần suất sốc nhiệt, hạn hán, và thiên tai tăng lên là có thật.
Và với nghiên cứu mới lần này, nó cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ăn sâu hơn bao giờ hết. Con người sẽ phải nắm được nó, để chuẩn bị cho tương lai tăm tối hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.
THeo Kenh14