Quan hệ xuyên Đại Tây Dương bị lung lay. Sau khẩu chiến giữa Mỹ và các đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cuộc họp ngày 11/07/2018, giới lãnh đạo châu Âu giờ phập phồng chờ xem thượng đỉnh Donald Trump – Vladimir Putin, sắp diễn ra trong 4 ngày tới. Liệu Donald Trump có « bán đứng » an ninh châu Âu để đạt lấy một thỏa thuận với tổng thống Nga hay không ?

42 1 An Ninh Chau Au  Mon Hang Mac Ca Trump Danh Cho Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump (P), ngày 11/11/2017. REUTERS/Jorge Silva

« Trong chuyến đi năm rồi, tôi đã yêu cầu các nước thành viên NATO chi thêm nhiều tỉ đô la bổ sung nhưng hầu như không được đáp ứng. Mỹ đã chi tiêu quá nhiều. Biên giới của châu Âu là quá tồi tệ! Không thể chấp nhận chi đô la cho Nga qua đường ống dẫn dầu! ». Donald Trump sáng sớm nay đã có những phản ứng giận dữ như vậy trên mạng xã hội Twitter quen thuộc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng tấn công các đối tác châu Âu như bôi nhọ NATO qua việc chỉ trích nhiều nước thành viên không chia sẻ gánh nặng ngân sách, đe dọa rút binh lính Mỹ, mở cuộc chiến thương mại nhắm vào Liên Hiệp… Ngược lại, chủ nhân Nhà Trắng lại có cử chỉ hòa dịu với Nga, đề nghị cho Nga gia nhập trở lại với khối G8.

Thế nhưng theo quan sát của ông Gregory Feifer, giám đốc Institute of Current World Affairs, được Reuters trích dẫn, châu Âu tỏ ra khó hiểu thay vì tức giận, không hề ưa thích gì những chỉ trích khiêu khích của ông Donald Trump. Nhưng điều mà họ lo ngại nhất là nguyên thủ Mỹ « bán đứng an ninh của phương Tây » để mặc cả với Putin. Tổng thống Nga có thể thuyết phục đồng nhiệm Mỹ ngừng các cuộc diễn tập quân sự của NATO tại Ba Lan và các nước vùng Baltic, cũng như là giảm nhẹ các trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga mà không đề cập đến vấn đề Crimée.

Về mặt nguyên tắc, cuộc gặp giữa hai nguyên thủ cường quốc hạt nhân hàng đầu này sẽ là dịp để đôi bên trình bày trực tiếp về nhiều vấn đề như thỏa thuận hạt nhân và giới hạn vũ khí. Nhưng một số chuyên gia chính trị tại Washinton tin rằng ông Trump sẽ đặt lá bài « an ninh phương Tây » để khuyến khích Putin giải quyết một số vấn đề thúc bách, bao gồm cả việc mở rộng hiệp ước New START về giảm trừ vũ khí được ký kết giữa hai nước sắp hết hạn trong vòng ba năm nữa hay như hồ sơ Ukraina, Syria và sự can dự của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Đương nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh lần này không những sẽ là cơ hội để tổng thống Nga đánh bóng hình ảnh của mình với người dân trong nước, mà còn là dịp để làm suy yếu hơn nữa trật tự thế giới tự do do Mỹ dẫn đầu với sự trợ giúp của Donald Trump.

Một điều chắc chắn là cho dù có chuyện gì xảy ra, thượng đỉnh Donald Trump và Vladimir Putin sẽ đào sâu thêm rạn nứt giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu. Điều trớ trêu là Trump không ngừng chỉ trích các nước đồng minh của mình không phải là vì những nước này thất bại trong việc hỗ trợ Mỹ dẫn đầu trong NATO, mà chính là vì họ cứ nài nỉ Mỹ duy trì vị thế này.

Nguồn: Minh Anh/ RFI




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC