Giám đốc y tế Chris Whitty (phải) và Cố vấn khoa học Sir Patrick Vallance (trái) của Chính phủ Anh.
Trong bản “Đánh giá rủi ro an ninh quốc gia” (NSRA) năm 2019 của Chính phủ Anh có chữ ký của Ngài Patrick Vallance, cố vấn khoa học của chính phủ nước này, cùng với một cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của thủ tướng Anh được tờ The Guardian giấu tên đã ghi lại những đánh giá chi tiết liên quan đến một đại dịch cúm được đặt tên là R95-DHSC với mức độ rủi ro được đánh giá là “rất cao”.
Những cảnh báo được đưa bao gồm thiệt hại về sinh mạng có thể lên đến hàng chục ngàn người ngay cả khi dịch bệnh chỉ “ở mức độ nhẹ”, do đó phải có một kế hoạch cụ thể nhằm đạt được những yêu cầu về năng lực phòng chống dịch bệnh để có thể giảm thiểu rủi ro cho nước Anh. Cùng với đó, tài liệu nói trên cũng nêu ra những thiệt hại tiềm tàng khác mà nước Anh có thể sẽ phải gánh chịu nếu như không có những sự chuẩn bị đúng đắn cho đại dịch cúm này (khi đó chưa có tên là COVID-19).
Cụ thể hơn, trong những dự báo đã được đưa ra, đáng chú ý có những chi tiết như đại dịch cúm này sẽ diễn ra với tối đa ba “đợt sóng”, mỗi đợt dự kiến kéo dài 15 tuần (khoảng gần 4 tháng), đỉnh dịch sẽ xảy ra trong tuần thứ 6 và 7 của mỗi giai đoạn và khoảng 65.600 người có thể sẽ tử vong trong trường hợp đại dịch này có “độc lực vừa phải”.
Một số dự báo đáng chú ý khác được ghi trong tài liệu này bao gồm các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội tại Anh nhiều khả năng sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm cho việc phục hồi ngay cả khi đại dịch này kết thúc và thiệt hại về mặt kinh tế của nước này có thể lên đến 2,35 nghìn tỷ Bảng Anh.
Bản “Đánh giá rủi ro an ninh quốc gia” năm 2019 của Chính phủ Anh. Ảnh: Văn phòng Nội các Anh
Các giải pháp và khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra gồm có việc mua tích trữ các đồ bảo vệ cá nhân (PPE) dùng cho các nhân viên y tế và nhanh chóng đạt được thỏa thuận mua các trang thiết bị y tế thiết yếu khác từ các nhà cung cấp, song song với đó là thiết lập các quy trình giám sát dịch bệnh và truy dấu những nguồn lây nhiễm.
Bên cạnh đó, việc lên những kế hoạch bảo hộ các công dân Anh ở nước ngoài và giúp họ trở về quê hương trên những “chuyến bay giải cứu” khi cần thiết cũng được coi là ưu tiên hàng đầu.
Các công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Anh đã được giám sát không ngừng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở đảo quốc sương mù.
Hiện tại chính phủ Anh đang bị cáo buộc chậm trễ trong việc đưa ra những phản ứng cần thiết nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này và những áp lực đang ngày càng tăng đối với chính quyền của thủ tướng Boris Johnson trong việc đưa ra giải trình về những biện pháp đã được thực hiện trên toàn nước Anh nói chung và các địa phương nói riêng để cung cấp những sự hỗ trợ mà các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra trước đó.
Theo Guardian/VnExpress