Ông Wolff cho rằng, Anh và Ngân hàng Trung ương Anh đang cho thấy họ như những quân cờ của Mỹ và điều này sẽ sớm ảnh hưởng đến vị thế của trung tâm tài chính này trên thế giới.
"Đó là một tín hiệu cho mọi quốc gia trên thế giới hoặc những quốc gia đang có những khó khăn trong mối quan hệ với Mỹ. Họ tốt hơn nên rút tiền khỏi Anh và rời các hoạt động khỏi London. Đơn giản chỉ là ở đó không còn được an toàn như trước đây nữa" - RT phiên bản Mỹ dẫn lời Giáo sư Wolff. Vị Giáo sư Mỹ cho rằng, các quốc gia trên thế giới sẽ sớm nhận ra sự "thao túng chính trị" đối với một trung tâm tài chính như ở Anh và điều này là đặc biệt nguy hiểm.
"Những gì người Anh đang thể hiện là họ dường như không thể tiếp tục là nơi trung lập mà bạn có thể đặt tiền của mình vào đó một cách an toàn" - vị chuyên gia bình luận.
"Có thể chắc chắn rằng, mọi Chính phủ trên thế giới sẽ suy nghĩ lại về việc đưa bất kỳ khoản tiền gửi nào nữa vào London, đặc biệt là trong bối cảnh những gì đang diễn ra như là một sự thao túng chính trị như hiện nay. Nó rất nguy hiểm cho thế giới nhưng đặc biệt hơn là với Anh"- ông Wolff nhận định.
Ông Wolff cho rằng, nếu tiếp tục tình trạng này, Anh đang tự làm mất đi vị thế của mình trong bối cảnh tình hình chính trị của Anh đang biến động. Anh sớm bị loại khỏi danh sách cường quốc toàn cầu trước diễn biến của Brexit và giờ đây là uy tín của một trung tâm tài chính hấp dẫn trên thế giới.
Anh và Ngân hàng Trung ương Anh đã không trả lại cho chính quyền Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro 31 tấn vàng, tương đương 1,2 tỷ USD, mà Venezuela đã gửi tới.
Chuyên gia David Gibson, giám đốc quản lý hãng kim loại quý quốc tế GoldVu cho rằng, việc Ngân hàng Anh không trả lại vàng cho Venezuela không chỉ là vấn đề của riêng Venezuela, mà còn là "cảnh báo đỏ" đối với các nước khác nói chung.
"Chuyện này gần như chưa từng có tiền lệ vì ngân hàng chỉ có vai trò là giữ hộ tài sản của khách hàng. Đây là tài sản riêng tư. Ngân hàng không có quyền chỉ định số vàng này cần sử dụng khi nào và với mục đích gì.
Bất kỳ quốc gia nào đóng vai trò là bên giữ hộ tài sản, dù là Thụy Sĩ hay Mỹ, cũng nên cho phép nước khác lấy lại tài sản họ đã gửi nếu nhận được đề nghị chính thức từ một chính phủ hợp pháp dân chủ.
Họ không có lý do gì để từ chối. Với phản ứng của họ như vậy, Ngân hàng Anh đã hủy hoại sự tín nhiệm và tin tưởng trong mắt cộng đồng quốc tế với tư cách là bên giữ hộ tài sản" - chuyên gia David Gibson nhận xét.
Động thái của Ngân hàng Trung ương Anh cũng nhận sự chỉ trích của Nghị sĩ Anh.
Nghị sĩ Công đảng Anh Chris Williamson cho rằng, việc ngân hàng Anh tự cho mình quyền quyết định "số phận" của 31 tấn vàng do Venezuela gửi là "sự can thiệp không thể chấp nhận được vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền và sẽ gây tổn hại lòng tin nghiêm trọng".
Hải Lâm
Nguồn: baodatviet.vn