Như vậy, AstraZeneca là hãng dược phẩm thứ 2 xin cấp phép tại Nhật Bản, sau hãng dược phẩm Pfizer Inc. (Mỹ).
Vaccine phòng COVID-19 do Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN
Vaccine ngừa COVID-19 do AstraZeneca PLC phối hợp với Đại học Oxford của Anh phát triển, bắt đầu được thử nghiệm tại Nhật Bản vào mùa Hè năm ngoái với 256 tình nguyện viên. Hồi tháng 12/2020, chính phủ Nhật Bản cũng đã ký hợp đồng mua 120 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm này, đủ để tiêm chủng cho 60 triệu người dân nước này. Ở thời điểm hiện tại, AstraZeneca đã chính thức xin cấp phép lưu hành tại Nhật Bản và dự kiến trong tháng 3 sẽ trình lên cơ quan quản lý y tế Nhật Bản các dữ liệu bổ sung về kết quả thử nghiệm.
AstraZeneca xin cấp phép tại thời điểm Nhật Bản đang xúc tiến công tác chuẩn bị tổ chức Olympic và Paralympic mùa Hè 2020, vốn bị hoãn tới tháng 7/2021. Vaccine của AstraZeneca không đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh như vaccine của Pfizer, và toàn bộ vaccine trong chương trình tiêm chủng của Nhật Bản đều được sản xuất tại nước này.
Đến nay, Nhật Bản có quyền mua ít nhất 564 triệu liều vaccine từ các hãng dược phẩm phương Tây. Đây là số lượng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất mà một nước châu Á có thể sở hữu, đủ tiêm chủng cho 126 triệu dân. Tuy nhiên, so với nhiều nền kinh tế lớn khác, Nhật Bản được cho là chậm trễ hơn trong công tác tiêm chủng. Nguyên nhân một phần là do Nhật Bản phụ thuộc vào các hãng sản xuất vaccine nước ngoài, trong khi nước này yêu cầu thử nghiệm ngay tại Nhật Bản đối với tất cả các vaccine tiềm năng.
Tháng 12 năm ngoái, Pfizer đã nộp đơn lên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xin cấp phép lưu hành cho vaccine của hãng, đến cuối tháng 1 vừa qua, hãng này đã nộp dữ liệu về kết quả thử nghiệm lâm sàng bổ sung tiến hành ở Nhật Bản đối với 160 người.
* Cũng trong ngày 5/2, Pfizer cho biết đã rút đơn xin phê chuẩn sử dụng khẩn cấp tại Ấn Độ loại vaccine ngừa COVID-19 do công ty này và công ty BioNTech của Đức hợp tác phát triển. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp giữa Pfizer và cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ. Pfizer cũng cho biết thêm trong tương lai, công ty sẽ nộp lại đơn xin phê chuẩn vaccine tại Ấn Độ với những thông tin mà cơ quản lý nước này yêu cầu.
* Cũng liên quan đến vấn đề tiêm chủng vaccine, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 5/2 thông báo nước này có thể bắt đầu tiêm chủng vaccine Sputnik V của Nga cho người dân nước này vào tuần tới sau khi cơ quan chức năng nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine này.
Theo thỏa thuận giữa Hungary và Nga, Moskva sẽ chuyển 2 triệu liều vaccine cho Hungary trong 3 tháng tới, đủ để tiêm chủng cho 1 triệu người dân nước này. Tuần trước, Hungary đã tiếp nhận 40.000 liều đầu tiên, thực hiện tiêm chủng cho 20.000 người.
* Cuối tháng 4/2021, Soberana 02 - loại vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng do Cuba sản xuất dự kiến sẽ gia nhập thị trường vaccine thế giới nếu hoàn tất giai đoạn 3 thử nghiệm dự kiến bắt đầu vào tháng 3 tới với kết quả tích cực. Lãnh đạo công ty BioCubaFarma sản xuất vaccine trên cho biết hiện vaccine hoạt động tốt, và Cuba sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đạt miễn dịch cho toàn bộ người dân. Cũng theo công ty này, vaccine Soberana 02 phản ứng tốt với các loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Anh và Nam Phi.
Cuba hiện là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất phát triển vaccine ngừa COVID-19 với 4 loại vaccine tiềm năng. Trong năm nay, Cuba dự kiến sản xuất100 triệu liều vaccine Soberana 02, trong khi tiếp tục thử nghiệm các loại vaccine tiềm năng còn lại.
Nguồn: baotintuc