Tổng thống, cố vấn nhà nước và các thủ hiến bang ở Myanmar bị quân đội bắt giữ đẩy nền dân chủ non trẻ của nước này rơi vào khủng hoảng.

42 1 Ba Suu Kyi Va Tong Thong Bi Bat Chuyen Gi Dang Xay Ra O Myanmar Vay

© Ảnh:Bà Aung San Suu Kyi đã bị quân đội Myanmar bắt giữ sáng 1.2 - AFP

Sáng 1.2, báo đài đồng loạt đưa tin sốc: Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và một loạt nhân vật cấp cao khác của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền bị quân đội bắt giữ.

Người phát ngôn của NLD Myo Nyunt sau đó xác nhận thông tin và nói rằng với những gì đang diễn ra, có thể cho rằng quân đội Myanmar đang thực hiện cuộc đảo chính.

Quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp ngay trong sáng 1.2 và tuyên bố quyền lực được giao lại cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Quân đội cũng tuyên bố sẽ kiểm soát chính quyền trong vòng 1 năm.

Binh lính đã được triển khai bên ngoài tòa nhà chính quyền thủ đô Naypyitaw và tòa thị chính thành phố Yangon. Hệ thống viễn thông, truyền hình, internet ở Myanmar gián đoạn.Nền dân chủ non trẻ của Myanmar rơi vào khủng hoảng.

Thời kỳ quân đội kiểm soát trở lại với quốc gia Đông Nam Á, ít nhất cho đến khi giải quyết được căng thẳng giữa quân đội và đảng NLD.

Chính biến xảy ra, nhưng dấu hiệu đã được báo trước. Kể từ sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.2020 với kết quả NLD giành thắng lợi áp đảo. Cụ thể, NLD thắng gần 400 ghế trong Quốc hội (hơn 60%), quân đội có 25% số ghế đương nhiên.

Riêng Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), được quân đội ủng hộ, chỉ giành được 30 ghế.USDP không công nhận kết quả, cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử và yêu cầu Ủy ban bầu cử phải điều tra và giải quyết.

Đảng này cho rằng có đến 10 triệu phiếu gian lận. Hôm 26.1, quân đội Myanmar ra tối hậu thư cho Ủy ban bầu cử, tuyên bố sẽ hành động nếu ủy ban này không giải quyết cáo buộc gian lận về danh sách cử tri. Ủy ban phủ nhận có gian lận trên diện rộng, khẳng định bầu cử đã diễn ra một cách tự do, công bằng, đáng tin cậy và “phản ánh ý nguyện của người dân”.

Tuy vậy, hơn 280 cáo buộc đang được điều tra và Tòa tối cao Myanmar bắt đầu xử lý khiếu nại về bầu cử từ ngày 29.1.Nhiều tuyên bố từ phía quân đội khiến các ngoại giao đoàn ở Myanmar lo ngại. Dù vậy, quân đội không nhắc tới chính biến có thể xảy ra.

Trên thực tế, an ninh thủ đô của Myanmar vào cuối tuần qua được cho là khác lạ hơn với nhiều cảnh sát xuất hiện. Một số cuộc biểu tình đã xảy ra tại Naypyidaw và Yangon. Cuối cùng, chính biến xảy ra sáng nay, chỉ ít giờ trước khi Quốc hội khóa mới họp phiên đầu tiên ngày 1.2.

Nhiều quốc gia bên ngoài như Mỹ, Úc đã lên tiếng.

Sau gần nửa thế kỷ dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân đội, Myanmar mới chỉ tổ chức được 2 cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015 và 2020. Và thử thách lại bắt đầu.

Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và quân đội Myanmar vốn có mối quan hệ nhạy cảm và phức tạp. Trước khi đắc cử vào Quốc hội, bà từng bị quân đội quản thúc tại gia trong 15 năm. Bà từng được xem là biểu tượng của sự bền bỉ đấu tranh vì dân chủ ở nước này.

Năm 2016, khi trở thành cố vấn nhà nước, bà Suu Kyi đã nhiều lần phản đối các cáo buộc từ bên ngoài nhắm vào quân đội Myanmar liên quan đến người Rohingya.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 2020 với chiến thắng vang dội dành cho bà và NLD lại trở thành vấn đề khiến quân đội Myanmar không hài lòng.

Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC