Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã gửi lời cảnh báo trong bối cảnh áp lực gia tăng từ Bắc Kinh.

Áp lực cả về ngoại giao và kinh tế

Trong bài phỏng vấn độc quyền với CNN, bà Thái Anh Văn cho biết mối đe doạ quân sự từ Trung Quốc đang gia tăng “hàng ngày”, đi cùng với đó là chính sách đối ngoại cứng rắn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Nếu hôm nay là Đài Loan, chúng ta nên đặt câu hỏi ai sẽ là đối tượng tiếp theo? Đó có thể là bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Nếu không đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc, họ có thể sẽ phải đối mặt với các mối đe doạ quân sự tương tự như đối với Đài Loan,” người đứng đầu Đài Loan cho biết.

Với Bắc Kinh, việc thống nhất Đài Loan, hòn đảo với 23 triệu dân, vẫn luôn là mục tiêu lâu dài và xuyên suốt. Tuy nhiên, việc bà Thái Anh Văn đắc cử vị trí lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016 đã khiến mối quan hệ giữa 2 bên đi xuống.

Theo đó, chính quyền Bắc Kinh đã liên tiếp tạo các áp lực về cả ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan, bên cạnh việc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật và đưa các máy bay do thám hoạt động ở khu vực xung quanh Đài Loan.

“Việc Trung Quốc đang ngày càng trở nên lớn mạnh với nhiều tham vọng đã làm gia tăng các mối đe doạ mà Đài Loan phải đối mặt,” bà Thái Anh Văn khẳng định.

Nhà lãnh đạo Đài Loan cho biết bà muốn tập trung cải thiện năng lực quốc phòng của Đài Loan trước khả năng phải đối mặt với một “cuộc chiến không cân bằng”, khi quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá.

“Chúng tôi phải luôn trong tư thế sẵn sàng với mọi tình huống,” bà nói thêm.

42 1 Ba Thai Anh Van Canh Bao The Gioi Ve Ap Luc Tu Tq Hom Nay La Dai Loan Mai Se La Ai

Bà Thái Anh Văn. Ảnh: Independent.

“Mối đe doạ gia tăng”

Năm 2016, bà Thái Anh Văn khi đó là ứng viên đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) đã đánh bại ứng viên Quốc dân Đảng với chính sách thân Trung Quốc để trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của người dân đối với bà Thái Anh Văn đã suy giảm đáng kể trong bối cảnh các chính sách của bà vấp phải sự phản đối từ các đảng phái đối lập và tăng trưởng kinh tế suy giảm.

Vào tháng 11 năm ngoái, đảng DPP của bà Thái Anh Văn đã thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương, một thất bại mà bà cho rằng là một thách thức đối với tiến trình cải cách của chính phủ.

“Người dân chưa cảm thấy tác động từ các cải cách khi quá trình này mới chỉ bắt đầu,” bà cho biết.

Tuy nhiên, sự thụt lùi này không làm khiến bà Thái Anh Văn từ bỏ quyết định sẽ tái tranh cử vào năm 2020. “Lẽ dĩ nhiên bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng muốn tiếp tục được cống hiến cho đất nước.”

Thông tin này rõ ràng không nhận được sự hoan nghênh từ Trung Quốc. Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền, chính quyền Bắc Kinh đã liên tiếp tạo áp lực lên Đài Loan.

Vào tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi về tiến trình “thống nhất trong hoà bình”, đồng thời cảnh báo nước này sẽ không bao giờ chấp nhận một Đài Loan độc lập. “Chúng tôi không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực,” ông Tập Cận Bình nói.

Bà Thái Anh Văn cho biết bài phát biểu của ông Tập Cận Bình đã gây lo ngại trong nội bộ Đài Loan. Tuy nhiên, bà Thái Anh Văn cho biết những lời đe doạ từ Bắc Kinh sẽ mang lại tác động ngược đối với mục tiêu thống nhất của ông Tập Cận Bình, khi điều này sẽ chỉ khiến đẩy hòn đảo này ra xa hơn trong mối quan hệ với Bắc Kinh và thúc đẩy ý chí tự cường.

“Trung Quốc có thể nghĩ rằng những áp lực đó sẽ làm giảm ý chí của người Đài Loan. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ khiến người dân Đài Loan cảm thấy tức giận”.

Vào tháng 1, Đài Loan đã tổ chức cuộc tập trận trước kịch bản giả định bị tấn công. Theo bà Thái Anh Văn, đây là một phần trong nỗ lực tăng cường năng lực quân sự của Đài Loan trước bất cứ khả năng nào.

“Chúng tôi kì vọng sau khi chống trả được đợt tấn công đầu tiên từ Trung Quốc, cộng đồng quốc tế sẽ đứng lên và gây áp lực lên Trung Quốc,” bà nói.

Điều mà bà Thái Anh Văn không nói cụ thể, đó là bất cứ áp lực nào, nếu có, nhiều khả năng sẽ đến từ Washington. Trong nhiều năm, Mỹ vẫn luôn giữ vai trò là một đảm bảo an ninh đối với các mối đe doạ từ Trung Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc đã trở nên nồng ấm hơn với sự gia tăng hoạt động mua bán vũ khí và những tuyên bố ủng hộ Đài Loan từ các chính khách Mỹ.

Mắc kẹt giữa Mỹ – Trung

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho Đài Loan. Khi người đứng đầu Nhà trắng mong muốn làm giảm thâm hụt thương mại với Bắc Kinh, Đài Loan dường như đã bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

“Đài Loan có nhiều quan hệ kinh tế và thương mại với cả Trung Quốc và Mỹ, chúng tôi cần đảm bảo làm giảm tối đa mọi tác động của các bất ổn đối với nền kinh tế trong nước,” bà Thái Anh Văn nói.

Với việc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục kéo dài, nhà lãnh đạo Đài Loan cho biết bà đang tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ nền kinh tế, trong đó bao gồm đẩy mạnh chi tiêu công nhằm thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.

“Điều này sẽ giúp nền kinh tế của chúng tôi không còn quá dựa vào xuất khẩu,” bà nói.

Tuy nhiên, trong khi cuộc chiến thương mại có thể gây tác động tiêu cực lên xuất khẩu, đây sẽ là cơ hội đối với lĩnh vực công nghệ cao của Đài Loan.

Ở thời điểm Mỹ đang gây sức ép lên các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là đối với Huawei, với lý do rủi ro về an ninh quốc gia. Bà Thái Anh Văn nhận định các nước không lo ngại những rủi ro tương tự từ công nghệ của Đài Loan.

 

Nguồn: Trí Thức Trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC