Huawei đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do áp lực từ Mỹ (ảnh: xinhua)
Trong quá khứ, nước Mỹ thường coi mạng Internet của Nga và Trung Quốc lạc hậu và hay bắt chước do những kiểm duyệt và can thiệp từ chính phủ. Tuy nhiên, thành công của các tập đoàn công nghệ lớn Trung Quốc gần đây, đặc biệt là sau tuần vừa qua, đã khiến nhận định này thay đổi mạnh mẽ,. Nga cùng Trung Quốc giờ đây đang hướng về công nghệ Internet thế hệ mới và đẩy chính Mỹ vào nguy cơ bị tụt hậu.
Trang CNN nhận định, trung tâm của sự chia rẽ toàn cầu trong những ngày gần đây là Huawei – nhà cung cấp thiết bị truyền thông lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, đồng thời cũng là cái tên dẫn đầu trong công nghệ 5G. Washington đã ra lệnh cấm Huawei tham gia vào bất kỳ dự án mạng 5G nào của Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ cắt nguồn cung các phần mềm và thiết bị do Mỹ sản xuất, mà Huawei cần đến cho các sản phẩm của mình.
Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh hạn chế hoặc cấm sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G, với lý do Bắc Kinh có thể thông qua các hạ tầng cơ sở dữ liệu nhạy cảm để tiến hành gián điệp. Huawei kiên quyết phủ nhận tất cả các buộc của Washington.
Trong khi một vài thành phố của Mỹ bắt đầu ứng dụng công nghệ 5G, các nhà phân tích cảnh báo rằng, lệnh cấm Huawei có thể làm giảm tốc độ triển khai trên toàn lãnh thổ và khiến Mỹ "chậm chân" so với Trung Quốc. Giờ đây, ngay cả Nga cũng đứng trước cơ hội vượt lên phía trước.
Bên ngoài nước Mỹ, có mua sản phẩm Huawei hay không, đang ngày càng trở thành một thách thức về mặt chính trị. Những người lựa chọn tránh xa Huawei đối mặt với nguy cơ bị tụt lại phía sau trong khi thế giới đang tiến lên một giai đoạn mới của công nghệ internet và truyền thông.
Thế khó của Huawei
Ngày 5/6, Huawei đã ký kết một hợp đồng với nhà điều hành mạng lớn nhất của Nga là MTS, nhằm phát triển công nghệ 5G và triển khai mạng lưới thế hệ 5 tại Nga trong năm tới.
Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa cấp những giấy phép 5G đầu tiên vì mục đích thương mại. Truyền thông Trung Quốc ca ngợi, đây là "sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp viễn thông". Sự tham gia của Huawei trong quá trình này là điều hiển nhiên. Cho tới giờ, tập đoàn Trung Quốc đã ký hơn 45 hợp đồng 5G thương mại tại 30 quốc gia trên khắp thế giới.
Theo CNN, con số trên đáng lẽ phải nhiều hơn. Hai tháng gần đây, tập đoàn Nokia của Phần Lan đã có được 12 hợp đồng 5G mới, trong khi Huawei chỉ có 3. Vẫn được coi là cái tên hàng đầu thế giới trong công nghệ 5G với khả năng đánh bại đối thủ nhờ vào giá thành rẻ hơn; tuy nhiên tập đoàn đóng tại Thâm Quyến lại trở thành một trong những nạn nhân chính trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Một trong những nhà điều hành hàng đầu bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu từ Washington, bị "đá" khỏi thị trường Mỹ, Huawei còn phải chịu đựng những áp lực từ Mỹ và các đồng minh.
CNN nhận định, với việc các quốc gia không ngừng phát triển mạng lưới 5G, thế giới đang đứng trước nguy cơ chia rẽ đang ngày một phát triển. Một bên là các đồng minh của Bắc Kinh không có vấn đề gì với Huawei, mà Nga là một ví dụ mới nhất. Bên kia, Washington cùng các đồng minh quyết tâm đẩy Huawei tới đường cùng. Ở giữa hai phía là một loạt các nước – trong đó, phần lớn đều thân cận với Mỹ hơn Trung Quốc, nhưng lại không sẵn lòng gánh chịu sự chậm trễ và chi phí gia tăng khi phải xây dựng mạng lưới 5G mà không có sự tham gia của Huawei.
Mỹ đang có phần hụt hơi hơn so với Trung Quốc trong cuộc chạy đua 5G, và theo CNN, việc ngăn cản người đứng đầu thị trường sẽ không giúp họ thu hẹp khoảng cách đó. Mặt khác, điều này, không đồng nghĩa với việc Mỹ không thể bắt kịp và vượt qua Trung Quốc, nhưng rõ ràng, nó sẽ là thách thức vô cùng to lớn.
Một thế giới bị chia rẽ cả trên mạng và ngoài đời thực?
Nhiều nhà quan sát e ngại trường hợp xấu nhất xảy ra khi sự chia rẽ ngày càng sâu sắc, khiến các chính phủ phải lựa chọn bên và hình thành một thế hệ internet tiếp theo bị phân cách giữa Trung Quốc và Mỹ - một kịch bản mà ở đó, chia rẽ không còn đơn giản là công ty nào cung cấp thiết bị mạng lưới.
Năm ngoái, cựu CEO Google Eric Scmidt từng đề cập tới những lời cảnh báo về sự phân tranh, giữa "internet do Trung Quốc dẫn đầu và internet không phải của người Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu".
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (ảnh: AFP)
Trong một thời gian dài, xu thế trên đã được chính Bắc Kinh thúc đẩy thông qua những dự án xuất khẩu công nghệ và kinh nghiệm, nhằm hỗ trợ các quốc gia tự xây dựng nền internet được kiểm soát chặt chẽ của mình. Tuy nhiên, với chiến dịch chống lại Huawei, Washington cũng đã bắt đầu thúc đẩy quá trình này.
Và những ảnh hưởng sẽ không chỉ dừng lại ở công ty nào xây dựng mạng 5G hoặc internet nội địa được kiểm soát ra sao. Sự chia rẽ internet có thể chứng kiến các tiêu chuẩn và quy định khác nhau phát triển – tương tự như Android với iOS như ở quy mô lớn hơn nhiều. Điều đó sẽ khiến việc liên lạc quốc tế hoặc chuyển đổi giữa các hệ thống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Mạng 5G tốc độ nhanh được kỳ vọng sẽ đem con người tới gần nhau hơn; nhưng sự chia rẽ Huawei lại có thể đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ ngày càng cách xa nhau.
Minh Đức
Nguồn: toquoc.vn