Tuần trước, Ủy ban Châu Âu (EC) công bố báo cáo hằng năm về sản phẩm tiêu dùng độc hại (RAPEX) trên thị trường này.
Theo đó, 2/3 sản phẩm độc hại trên thị trường EU có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Sản phẩm tiêu dùng bao gồm Đồ chơi và quần áo của Trung Quốc là 2 mặt hàng giới chức Châu Âu đưa ra cảnh báo nhiều nhất
Không chỉ đến khi có kết quả trên, EU mới lo ngại sản phẩm Trung Quốc.
Trước đó, năm 2015, EU đã phải phát đi hơn 2.000 lời cảnh báo với người tiêu dùng, trong đó 62% dành cho sản phẩm “Made in China”
Trước mắt, Châu Âu sẽ rà soát các sản phẩm có liên quan tới sức khỏe trẻ em và ra cảnh báo 2/3 sản phẩm “Made in China”.
Bất an đồ chơi, thời trang
Trong số các sản phẩm nguy hiểm được EU công bố là mặt nạ dành cho trẻ em dễ gây cháy, có thể bị tháo rời và làm cho đứa trẻ nghẹt thở. Loại xe thăng bằng dạng ván trượt hoverboard có nguy cơ quá nóng khi sạc đầy, có thể bắt lửa và phát nổ…
Gần đây nhất hồi tháng 2, RAPEX tại Pháp đã tiến hành thu hồi hàng loạt bộ dây sạc điện thoại của Trung Quốc vì có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. RAPEX cho biết, sản phẩm không có mã vạch, mang nhãn hiệu Phihong với số model là PSA18R-120D.
Giới chức thông báo, nhà sản xuất Trung Quốc thiết kế vật liệu cách điện không đủ khả năng bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra đoản mạch. Người tiêu dùng có thể bị giật nếu vô tình chạm vào.
Bà Vera Jourova - Ủy viên phụ trách các vấn đề tư pháp, người tiêu dùng và bình đẳng giới của EU cho biết, trong số gần 2.500 mặt hàng tiêu dùng không an toàn tiêu thụ tại châu Âu, phần lớn do Trung Quốc cung cấp.
Tính riêng năm 2015, có 2.072 sản phẩm được thông báo độc hại và 2.745 hoạt động được tiến hành nhờ hệ thống cảnh báo của RAPEX. Cảnh báo nhiều nhất là đồ chơi 27%, quần áo và các sản phẩm thời trang 17%. Đây cũng là 2 sản phẩm khiến EC “đau đầu” nhất và phải tiến hành nhiều biện pháp ngăn ngừa.
Sản phẩm Trung Quốc có thể bị cấm tại EU?
Trước mắt, Châu Âu sẽ rà soát các sản phẩm có liên quan tới sức khỏe trẻ em và ra cảnh báo 2/3 sản phẩm “Made in China”.
Bên cạnh đó, cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) dự kiến sẽ xem xét lại việc nghiên cứu về chất bisphenol A (BPA).
EU cho rằng chất này được sử dụng để tráng bề mặt lớp lót bên trong các lon kim loại đựng thực phẩm.
Thuốc giả bị phát hiện ở Trung Quốc
EFSA cho biết, đang thành lập nhóm chuyên gia nhằm đánh giá lại tác động của BPA sau khi Viện nghiên cứu quốc gia về y tế cộng đồng của Hà Lan công bố báo cáo làm dấy lên nhiều quan ngại chất này gây ảnh hưởng đối với hệ miễn dịch của thai nhi và trẻ nhỏ.
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy chất BPA còn có liên quan tới các vấn đề não bộ, hệ thần kinh, rối loạn khả năng sinh sản và hội chứng béo phì. Thậm chí, theo một nghiên cứu năm 2013, thai nhi bị phơi nhiễm chất này còn có nguy cơ bị ung thư vú trong cuộc sống sau này.
Theo quy định của EC, khi có những dấu hiệu của các sản phẩm tiêu dùng nguy hại cho con người, giới chức các quốc gia thành viên EU phát hiện chất độc hại sẽ thông báo cho trung tâm liên lạc thuộc EC.
Và ngay khi EC tiếp nhận thông tin và chuyển thông báo đó tới các quốc gia thành viên, khi đó các sản phẩm có thể bị cấm tiêu thụ tại các quốc gia này.
Dù biết là sản phẩm “Made in China” có nhiều nguy cơ độc hại, nhưng không phải châu Âu cứ nói là làm được ngay bởi thực tế, hiện EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của châu Âu, sau Mỹ.
Kim ngạch thương mại song phương bình quân mỗi ngày lên đến hơn 1 tỷ USD.
Nguồn: Báo Tiền Phong Online