Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Trump đã gây chấn động cho các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa. Giờ đây chính các thành viên của GOP đang phân vân có “trừng phạt” ông Trump hay không khi chỉ còn 7 ngày nữa nhiệm kỳ của ông cũng chính thức kết thúc.
Quan điểm bất ngờ nhất là của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell. Ngày 13/1 ông McConnell nói rằng ông sẽ xem xét việc kết tội Tổng thống Trump vì kích động bạo loạn tại điện Capitol. Đây là sự chia rẽ đáng kể giữa 2 người từng làm việc ăn ý suốt 4 năm qua.
Tổng thống Trump và Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell. Ảnh: Kentucky
Quan điểm của ông McConnell cũng thay đổi đáng kể so với cuộc luận tội Tổng thống Trump cách đây 1 năm, khi đó ông công khai nhấn mạnh rằng ông “không phải là một bồi thẩm công bằng” và đã làm việc riêng cùng với các quan chức Nhà Trắng để tìm cách tuyên bố tha tội cho Tổng thống tại Thượng viện.
“Dù giới báo chí vẫn đang đồn đoán, nhưng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc sẽ bỏ phiếu như thế nào. Tôi dự định sẽ lắng nghe các lập luận pháp lý khi chúng được trình bày trước Thượng viện”, ông McConnel cho biết trong một thông điệp gửi tới các đồng nghiệp.
Để kết tội Tổng thống Trump, phải có 17 trong số 50 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bỏ phiếu tán thành cùng với 50 thượng nghị sỹ đảng Dân chủ để đảm bảo 2/3 số phiếu cần thiết. Trong khi một số Thượng nghị sỹ GOP đang được cho là nhiều khả năng sẽ chống lại ông Trump, thì phần lớn các thành viên GOP chưa lên tiếng do sức ép lớn trong việc “quay lưng: với ông Trump cũng như công khai chỉ trích ông.
Hầu hết các thượng nghị sỹ GOP không bày tỏ quan điểm công khai về việc luận tội. Điều này khiến các đồng nghiệp và những người khác phải tìm cách phân tích ngôn từ để xem họ có bất cứ ám chỉ nào trong vấn đề này hay không.
Một số người đã trực tiếp chỉ trích ông Trump về vai trò của ông trong việc kích động bạo loạn, trong đó có cả Thượng nghị sỹ Bắc Carolina Richard Burr. Ông Burr từng nói rằng ông Trump “chịu trách nhiệm” về cuộc bạo loạn. Thượng nghị sỹ Rob Portman bang Ohio cũng đưa ra những bình luận tương tự.
Nếu 2/3 số thượng nghị sỹ bỏ phiếu kết tội ông Trump, khi đó sẽ có một cuộc bỏ phiếu nữa để xác định ông có bị cấm giữ các chức vụ liên bang một lần nữa hay không. Cuộc bỏ phiếu này chỉ cần đa số quá bán là có thể đưa ra quyết định.
Phiên xét xử có thể diễn ra sau khi ông Trump rời nhiệm sở
Với các tham số hướng dẫn về thủ tục luận tội tổng thống ở Thượng viện, ông McConnell nói rằng ông Trump sẽ không có cơ hội về một “phiên xét xử công bằng hoặc nghiêm túc” trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.
Văn phòng của ông McConnell đã thông báo với Lãnh đạo phe thiểu số (đảng Dân chủ) tại Thượng viện Charles Schumer trước đó trong ngày 13/1 rằng ông sẽ không đồng ý việc triệu tập Thượng viện ngay trong tuần này, bất chấp sức ép từ ông Schumer về việc sử dụng quyền khẩn cấp. Quyền này cho phép hai lãnh đạo có thể đơn phương triệu tập phiên họp Thượng viện, nhưng hiếm khi được dùng tới.
“Cho dù quá trình [luận tội] tại Thượng viện có thể bắt đầu ngay trong tuần này và diễn biến nhanh chóng, sẽ không có phán quyết nào được đưa ra cho tới sau khi Tổng thống Trump rời nhiệm sở”, ông McConnell cho biết sau khi Hạ viện thông qua nghị quyết luận tội ông Trump.
Ông McConnell sẽ vẫn giữ vai trò Lãnh đạo phe đa số cho tới ít nhất là ngày 22/1, khi các kết quả từ 2 cuộc bầu cử ở Georgia được xác nhận và Thượng nghị sỹ đắc cử đảng Dân chủ Raphael Warnock và Jon Ossoff tuyên thệ nhậm chức. Ông McConnell và ông Schumer có thể làm việc chung để đưa ra các quy tắc điều hành phiên xét xử luận tội ông Trump lần thứ 2, mặc dù khi đảng Dân chủ chính thức nắm đa số, ông Schumer và các cấp dưới của ông có thể hợp thức hóa bộ quy tắc trong một cuộc bỏ phiếu.
Hiện chưa rõ ai sẽ chủ trì một phiên xét xử luận tội ở Thượng viện đối với một cựu tổng thống. Người phát ngôn Tòa án tối cao từ chối bình luận về việc Chánh án John G. Roberts Jr. có liên lạc với các lãnh đạo Thượng viện về bất cứ thủ tục nào hay không, và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris, với vai trò Chủ tịch Thượng viện khi đó có thể sẽ là người chủ trì phiên xét xử này.
Tính đến thời điểm này, phía ông McConnell chưa có động thái rõ ràng nào để thuyết phục hoặc can gián các đồng nghiệp bỏ phiếu về việc luận tội Tổng thống Trump.
Ông McConnell “kín tiếng” với cả những người được xem là thân cận và trung thành nhất đối với ông về việc ông có hài lòng với động thái của Hạ viện khi nhanh chóng luận tội ông Trump và có khuynh hướng ủng hộ việc kết tội ông Trump hay không.
GOP chia rẽ sâu sắc
Theo các nguồn tin thân cận, sự im lặng của ông McConnell gây thất vọng cho một số thượng nghị sỹ GOP - những người muốn có sự hướng dẫn hoặc ít nhất là sự sáng suốt trong suy nghĩ của Lãnh đạo phe đa số về phiên xét xử luận tội lần thứ 2 chưa từng có tiền lệ đối với một tổng thống Mỹ.
Trong khi những người chỉ trích ông Trump để ngỏ việc kết tội, các đồng minh của ông Trump ở Thượng viện vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ ông. Điều này khoét sâu những rạn nứt giữa các Thượng nghị sỹ GOP vốn đã trở nên nghiêm trọng sau khi ông Trump tuyên bố vô căn cứ rằng gian lận bầu cử trên diện rộng đã khiến ông thất cử.
Ông Trump chắc chắn sẽ đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều thượng nghị sỹ GOP chứ không phải chỉ có một mình Thượng nghị sỹ bang Utah Mitt Romeny – người đã từng bỏ phiếu kết tội ông hồi tháng 2/2020. Tuy nhiên việc tập hợp đủ 17 lá phiếu ủng hộ kết tội ông Trump tại Thượng viện vẫn là điều rất khó khăn.
Thượng nghị sỹ Ben Sasse ngày 13/1 nói sau cuộc bỏ phiếu luận tội ở Hạ viện rằng, “Rõ ràng là Tổng thống đã xao nhãng nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp và duy trì pháp luật”.
Thượng nghị sỹ Patrick Tomney, người mới đây trở thành tiếng nói chỉ trích gay gắt nhất đối với ông Trump sau khi ông thất cử, nói rằng ông vẫn tin Tổng thống nên từ chức ngay lập tức và cũng giống như McConnell, ông đang cân nhắc bỏ phiếu kết tội Tổng thống Trump.
“Việc Thượng viện có hay không có thẩm quyền theo Hiến pháp tổ chức một phiên xét xử luận tội đối với một tổng thống đã không còn tại vị nữa là điều gây tranh cãi. Nếu Thượng viện tiến hành phiên xét xử, tôi sẽ một lần nữa thực hiện trách nhiệm của mình. Tôi sẽ xem xét các lời biện hộ từ cả nhóm luận tội của Hạ viện và đội ngũ luật sư của ông Trump’, ông Toomey nói.
Thượng nghị sỹ Lindsey Graham, người tới nay vẫn là đồng minh trung thành của ông Trump bất chấp cuộc bạo động tuần trước, khẳng định ông phản đối việc luận tội vì cho rằng điều này sẽ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt đẹp hơn.
Tiền lệ nguy hiểm đối với các tổng thống trong tương lai?
Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ khi nào Thượng viện mới nhận được các điều khoản luận tội từ Hạ viện. Nhân vật số 3 của đảng Dân chủ tại Hạ viện James Clyburn nói tằng Hạ viện có thể sẽ trì hoãn động thái này để Thượng viện có thời gian phê duyệt thành viên nội các của ông Biden.
Trong một thông điệp của ông McConnell gửi tới các thượng nghị sỹ ngày 13/1, ông thừa nhận không biết khi nào Hạ viện sẽ gửi điều khoản luận tội tới Thượng viện, dù ông nói thêm rằng điều đó sẽ được thực hiện ngay sau khi điều khoản luận tội được thông qua.
Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ ở Hạ viện muốn Thượng viện hành động “càng sớm càng tốt”. Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steny H. Hoyer ám chỉ rằng, điều khoản luận tội có thể được chuyển đi ngay lập tức.
Trong một tuyên bố khác, Lãnh đạo thiếu số tại Thượng viện Schumer cam kết ông Trump sẽ có một “phiên xét xử công bằng”, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng hành động của ông Trump “là không thể chấp nhận được và không thể không bị trừng phạt”.
Trong khi đó, một số Thượng nghị sỹ GOP cũng lo ngại rằng đảng Dân chủ ở Hạ viện đang đặt ra tiền lệ về một cuộc luận tội nhanh chóng trong tương lai.
“Không có các phiên điều trần. Không có các nhân chứng. Đây là một quá trình vội vàng và điều này có thể trở thành mối đe dọa đối với các tổng thống trong tương lai”, ông Graham nói./.
Hoàng Phạm (biên dịch)
Theo Washington Post