Hệ thống phòng không tầm xa S-200 của Ukraine cuối cùng đã chứng tỏ được giá trị khi bắn hạ máy bay ném bom Tu-22M3 của quân xâm lược Nga.

Ngày 19/4, Lực lượng Không quân Nga đã mất một máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 trong lúc thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Ukraine. Các nguồn tin Nga cho biết chiếc máy bay đã gặp tai nạn trong lúc quay trở về căn cứ và ba phi công đã thoát khỏi máy bay an toàn. Các nguồn tin phương Tây và Ukraine thì cho rằng, chiếc Tu-22M3 đã bị hệ thống phòng không S-200 từ thời Liên Xô của Ukraine bắn hạ.

Tu-22M3 là chiếc máy bay đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện các cuộc tấn công tên lửa, nhằm vào các mục tiêu của Ukraine kể từ giữa năm 2022. Chiếc máy bay này chủ yếu sử dụng tên lửa hành trình Kh-22 có từ thời Liên Xô. Các nguồn tin Ukraine từng nhiều lần khẳng định, hệ thống phòng không của họ chưa thể bắn hạ được tên lửa này.

Không quân Nga đã phóng hơn 300 tên lửa Kh-22 trong tháng 12/2023. Loại tên lửa này được quân đội Nga sử dụng rộng rãi trên chiến trường Ukraine nhờ những đặc tính kỹ thuật vượt trội như quỹ đạo bay phức tạp, tầm hoạt động xa và trọng tải thuốc nổ mang theo lớn. Bên cạnh đó, sau khi Liên Xô tan rã, Nga cũng đã được thừa kế những kho tên lửa Kh-22 quy mô lớn, nên họ có thể sử dụng tên lửa với số lượng lớn và chi phí thấp.

Với những bất lợi lớn về công nghệ, các phi đội máy bay chiến đấu của Ukraine phải hoạt động rất hạn chế. Điều này cũng khiến quân đội Ukraine phải phụ thuộc nhiều vào lực lượng phòng không trên mặt đất để đối phó với mối đe dọa từ máy bay Nga.

1 Bat Ngo Lao Tuong S 200 Ukraine Ban Ha Oanh Tac Co Tu 22m3 Nga

Hình ảnh cho thấy chiếc Tu-22 bốc cháy trên bầu trời.

Chính vì vậy, việc bắn hạ một chiếc Tu-22M3 được xem là một trong những thành công quan trọng nhất mà Ukraine đạt được trong lĩnh vực không quân kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.

Một điều đáng chú ý là hệ thống phòng không S-200 đã bị Lực lượng Không quân Ukraine cho loại biên từ trước khi xung đột nổ ra với Nga. Tuy nhiên, khi xung đột với Nga leo thang, Ba Lan đã viện trợ các hệ thống S-200 cho Ukraine để tăng cường khả năng phòng không.

Ngoài vai trò chính là phòng không, S-200 còn được quân đội Ukraine sử dụng để phóng tên lửa đạn đạo V-880 vào các trung tâm dân cư do Nga kiểm soát. Loại tên lửa này có kích thước rất lớn và có tầm bắn xa hơn hầu hết các tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Ukraine đang sở hữu như Scud-B.

Hệ thống phòng không S-200

Mặc dù S-200 là hệ thống phòng không được đánh giá là mạnh nhất từng được triển khai trong Chiến tranh Lạnh, nhưng nó không được sử dụng rộng rãi trong chiến đấu vì chỉ được cung cấp cho các nước thuộc Hiệp ước Warsaw và chỉ có Syria và Triều Tiên được mua vào những năm 1980.

S-200 được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu có giá trị cao khỏi mọi kiểu tấn công từ trên không và được xem là phiên bản cao cấp hơn của hệ thống phòng không S-75. S-75 Dvina được sử dụng rộng rãi hơn so với S-200, nó bắt đầu được giới thiệu từ năm 1957 và đã chứng minh sự hiệu quả trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam và cuộc chiến giữa các nước Ả Rập với Israel. Các đơn vị S-200 đầu tiên đi vào hoạt động kể từ năm 1966, với những cải tiến rất đáng kể về hiệu suất được thực hiện trong 15 năm tiếp theo.

Các đặc tính kỹ thuật của S-200 ở một số khía cạnh vẫn được đánh giá cao, mặc dù đã gần 60 năm kể từ khi nó được đưa vào sử dụng, phần lớn là do kích thước khổng lồ của tên lửa mà nó được trang bị.

2 Bat Ngo Lao Tuong S 200 Ukraine Ban Ha Oanh Tac Co Tu 22m3 Nga

Hệ thống phòng không S-200.

Phiên bản cải tiến S-200D có trần bay lên tới 40 km, góp phần nâng cao khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung di chuyển với tốc độ Mach 6, cũng như máy bay trinh sát SR-71.

Hệ thống này có phạm vi phát hiện lên tới 600 km và khả năng tìm kiếm mục tiêu trong không gian ở độ cao hơn 45.000 mét, tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu ở phạm vi 300 km và mang được đầu đạn nổ phân mảnh nặng 217 kg, rất phù hợp để phòng thủ trước tên lửa đạn đạo.

S-200 đã ngừng hoạt động từ những năm 1990 khi các biến thể mới của hệ thống S-300 ra đời. S-300 có tầm bắn được tăng cường hơn so với S-200 và có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo vượt trội.

Với hiệu suất chiến đấu được cải thiện, sử dụng các thiết bị điện tử phức tạp hơn và quan trọng nhất là tính cơ động cao, S-300 được ưa chuộng hơn so với các bãi phóng S-200 cố định.

Không giống như Nga và các khách hàng mua các tài sản phòng không của Nga thời hậu Xô Viết như Ấn Độ và Belarus, Ukraine thiếu các biến thể S-300 hiện đại, khiến S-200 trở thành tài sản phòng không có tầm bắn xa nhất cho đến hiện tại.

S-200 là vũ khí nòng cốt của lực lượng phòng không Liên Xô trong những năm cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với số lượng kho dự trữ đạt đỉnh điểm được đặt ở 130 địa điểm và có tới 2.030 bệ phóng. Việc S-200 chưa được sử dụng nhiều trong chiến đấu trước đây, khiến việc triển khai hệ thống này ở Ukraine trở thành cuộc thử nghiệm quan trọng nhất để chứng minh khả năng của hệ thống phòng không này.

Lê Hưng (Nguồn: Military Watch)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC