Sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ càng trở nên trầm trọng bởi kết quả của cuộc bầu cử Áo vào tháng Mười tới.

Kết quả này có thể sẽ làm tăng thêm những căng thẳng hiện tại đối với người nhập cư bất hợp pháp, cổ súy cho chủ nghĩa dân túy và hơn thế là gieo rắc sự bất hòa ở châu Âu.

Theo kết quả của các cuộc thăm dò mới đây, Đảng Nhân dân Bảo thủ (OVP) chiếm tỷ lệ ủng hộ áp đảo, chủ yếu nhờ nhiều phiếu dồn từ đảng Tự do (FPO). Điều này khiến cho nhà lãnh đạo trẻ Sebastian Kurz trở thành ứng cử viên số một cho ngôi vị Thủ tướng Áo.

Bầu cử ở Áo có thể phá vỡ EU - 0

Nhà lãnh đạo trẻ Sebastian Kurz -Ảnh AFP

Kết quả này có một phần không nhỏ đến từ chiến thuật hiệu quả của ông Kurz, người đang nắm giữ cương vị Ngoại trưởng Áo. Theo đó, Đảng OVP do ông đứng đầu từ phe cánh tả đã chuyển sang sang phe cánh hữu cùng FPO. Lập trường của ông Sebastian Kurz là chống nhập cư bất hợp pháp, thúc đẩy nhu cầu hội nhập hoàn toàn của người Hồi giáo và ông hứa hẹn khi lên nắm quyền sẽ ngăn chặn dòng người di cư từ châu Phi và Trung Đông.

Trong bối cảnh chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang tồn tại và lớn mạnh ở Áo, FPO lại là đảng có xu hướng thân Nga. Do đó, nếu phe cánh hữu lên nắm quyền, quan điểm của Áo nhiều khả năng sẽ khác biệt so với phần còn lại của EU, qua đó ảnh hưởng đến tính thống nhất của khối này.

Mặt khác, với tư cách là quốc gia tham gia thường xuyên vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và hoạt động quân sự dẫn đầu bởi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Áo đã tạo ra những thách thức với kỳ vọng của Mỹ và EU, khi theo đuổi một cách tiếp cận độc lập trong quan hệ với Nga. Tháng 6/2014, Áo là nước thành viên EU đầu tiên chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm chính thức, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Gần đây, Áo cũng đi đầu trong việc chỉ trích châu Âu về các biện pháp chế tài đối với Nga và kêu gọi áp đặt các biện pháp mới.

Bên cạnh đó, các nước Visegrad, bao gồm Ba Lan, Hungary, Czech và Slovakia, có thể sẽ coi chính phủ liên minh giữa OVP và FPO của Áo là một đồng minh mạnh mẽ để xem xét và bãi bỏ hệ thống hạn ngạch nhập cư của EU.

Theo khảo sát ​​ở các quốc gia Visegrad và Balkan, Cơ quan thăm dò dư luận của Ủy ban châu Âu (EC) Eurobarometer cho biết, sự ủng hộ mô hình châu Âu hai tốc độ (two-speed EU), được đề xuất bởi Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đang sụt giảm mạnh mẽ tại Áo. Điều này được cho là do sự chia rẽ ngày càng lớn về các vấn đề chính sách quan trọng và về chủ quyền giữa Đông Âu với các nước còn lại.

Có thể nói, còn quá sớm để lạc quan về tính bền vững của một châu Âu thống nhất sau cuộc bầu cử tại Pháp và ở một số quốc gia EU khác.

Dưới mô hình chính phủ liên hiệp, Áo có thể trở thành quốc gia EU tiên phong thách thức sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Âu, làm giảm sự thống nhất và thách thức trật tự tự do của EU. Hoặc ít nhất, cuộc bầu cử Áo sắp tới sẽ làm gia tăng áp lực đối với các mối quan hệ trong EU, đồng thời khiến quyền lực tập trung của Brussels trở nên mờ nhạt hơn.

Thu Trang / baoquocte.vn -Theo The Strategist

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC