Biểu tình ở Georgia đã kéo dài đến ngày thứ tư. Cảnh sát lập rào chắn, đẩy lui người biểu tình khỏi tòa nhà quốc hội tại thủ đô Tbilisi (Georgia) ngày 1-12
Đám đông biểu tình tối 1/12 tiếp tục kéo xuống đường phố thủ đô Tbilisi, một số người quá khích ném đồ vật, pháo hoa về phía cảnh sát, khiến lực lượng này đáp trả bằng vòi rồng và hơi cay.
Sau nhiều giờ giằng co, cảnh sát dồn người biểu tình ra khỏi khu vực xung quanh nhà quốc hội và dựng rào chắn ngăn đám đông tái tụ tập. Đây là đêm biểu tình thứ tư liên tiếp ở Gruzia, sau khi chính phủ thông báo hoãn đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) tới năm 2028.
"Tôi thấy chán nản khi chính phủ không lắng nghe những điều người dân mong muốn. Tôi tới đây với lý do rất đơn giản, đó là bảo vệ tương lai châu Âu của tôi cũng như nền dân chủ Gruzia", người biểu tình Nikoloz Miruashvili nói.
Người biểu tình bắn pháo về phía cảnh sát ở Tbilisi, Gruzia, rạng sáng 2/12. Ảnh: AP
Các nhóm đối lập còn kêu gọi người biểu tình đòi nghỉ phép có lương theo luật lao động khi tham gia biểu tình và các chủ lao động phải chấp thuận điều này.
Ngoài thủ đô Tbilisi, người dân Gruzia còn biểu tình ở thành phố Poti bên bờ Biển Đen và chặn đường dẫn vào cảng thương mại tại đây. Theo truyền thông Gruzia, biểu tình xảy ra ở ít nhất 8 thành phố và thị trấn.
Bộ Nội vụ Gruzia cho biết khoảng 150 người đã bị bắt trong đợt biểu tình này.
Đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia trước đó cáo buộc EU "đưa ra loạt lời lăng mạ" và lợi dụng việc đàm phán gia nhập liên minh để "tống tiền" nước này. Do đó, chính phủ Gruzia quyết định hoãn đàm phán gia nhập EU cho đến năm 2028, đồng thời từ chối bất cứ khoản tài trợ ngân sách nào từ liên minh.
Biểu tình lan rộng ở Gruzia sau khi chính phủ hoãn gia nhập EU
Người biểu tình Gruzia bắn pháo về phía cảnh sát, trong lúc lực lượng này sử dụng vòi rồng.
Mối quan hệ Gruzia - EU xuống dốc nghiêm trọng những tháng gần đây, khi Brussels cáo buộc chính quyền Gruzia áp dụng những biện pháp "độc đoán" và có lập trường thân Nga.
Đảng Giấc mơ Gruzia được thành lập bởi Bidzina Ivanishvili, tỷ phú kín tiếng có nhiều mối quan hệ kinh doanh ở Nga. Đảng này khẳng định không thân Nga, cam kết hướng tới tiến trình dân chủ và hội nhập cùng phương Tây.
Chính quyền Gruzia cho biết vẫn muốn gia nhập EU sau này, nhưng những năm qua đã nhiều lần mâu thuẫn với liên minh, trong lúc vẫn thắt chặt quan hệ với nước láng giềng Nga. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy khoảng 80% người dân Gruzia ủng hộ gia nhập EU.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)