Nhà cửa bị nước lũ cuốn trôi. – Ảnh: ABC Laos
Theo ông Inthirath, đập phụ “đã hoàn thành 91%” và chỉ nên được tích nước từ từ nhưng mưa lớn đã khiến công trình không chống chịu nổi. “Có mưa lớn trong khu vực từ ngày 21 đến 23/7 khiến mực nước trong hồ chứa tăng lên nhanh chóng”, Bộ trưởng nói.
Ông Inthirath cũng tiết lộ chính phủ Lào đã thành lập một ủy ban đặc biệt phối hợp cùng các công ty xây dựng để tìm hiểu nguyên nhân vỡ đập
Trước đó, công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, nhà thầu chính của dự án, cho biết còn quá sớm để kết luận nguyên nhân gây vỡ đập.
“Chúng tôi đang tập trung vào nỗ lực cứu trợ. Nguyên nhân sự cố sẽ được điều tra và công bố, nên chúng tôi chưa thể đưa ra phản hồi về vấn đề này”, đại diện công ty phát biểu.
Công ty Hàn Quốc còn lại là Korean Western Power không bình luận gì về tuyên bố của Bộ trưởng. Công ty giải thích rằng họ là bên vận hành nhà máy điện sau khi nó được hoàn thành chứ không trực tiếp tham gia vào việc xây dựng. Công ty Thái Lan tham gia dự án, Ratchaburi Electricity Generating Holding, cũng từ chối bình luận về chất lượng thi công.
Nhà cửa và đồ đạc bị ngập trong bùn đỏ suốt 4 ngày sau khi đập vỡ. – ABC Laos
Nhưng trước đó, nhà thầu Korea Western Power đã cáo buộc công ty SK Engineering & Construction phát hiện con đập bị sụt lún đến 11cm vào hôm 20/7 song không có biện pháp khắc phục kịp thời mà chỉ theo dõi. Tuy nhiên, SK Engineering & Construction đã bác bỏ cáo buộc trên.
Richard Meehan, giáo sư tại trường Kỹ thuật của Đại học Stanford, nói rằng vụ vỡ đập có vẻ như là trường hợp xói mòn từ bên trong gây ra bởi các lỗi thi công như móng không vững, trát vữa kém và thiết kế có rủi ro cao, theo NYTimes.
“Những điều này dễ xảy ra khi dự án chủ yếu chạy theo lợi nhuận, tiến hành tại nơi xa xôi hẻo lánh, được quản lý bởi nhiều bên có lợi ích mâu thuẫn, thông tin liên lạc kém”, ông Meehan viết.
Nhiều người dân Lào đang mất tích hoặc lâm vào cảnh mất nhà cửa sau khi đập phụ của dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu bị vỡ vào tối 23/7, khiến nước lũ đổ xuống hạ lưu. Một số nguồn tin cho biết 27 người đã thiệt mạng, nhưng thống kê thương vong vẫn chưa có con số cuối cùng.
Hiện nước lũ đã rút dần và người dân vùng bị ảnh hưởng đang nỗ lực khắc phục thiệt hại. Bùn đất bám đặc quánh khắp nơi, xác gia súc nổi trên mặt nước đục ngầu. Với những nỗ lực cứu trợ đang diễn ra, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết đây là thảm họa tồi tệ nhất mà quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.
Báo Pháp Luật Đời Sống