Trại tị nạn và trại giam ở đông bắc Syria giữ hàng chục nghìn người, trong đó có nhiều phiến quân IS và những người liên quan nhóm này, gây lo ngại về sự hồi sinh của bóng ma khủng bố.

Đối với nhiều người, nỗi kinh hoàng về Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chấm dứt khi chiến dịch do Mỹ dẫn đầu đánh bại nhóm này vào năm 2019. Nhưng 5 năm sau, nỗi ám ảnh đang dần trở lại.

Hàng chục nghìn dân thường đang sốngtrong các trại tị nạn như cơ sở ở Al-Hol, nơi có nhiều thành viên gia đình của các phiến quân IS và những người khác bị cuốn vào hỗn loạn ở đông bắc Syria. Nhiều người trong số họ không phải là người Syria mà đến từ các quốc gia lân cận hoặc thậm chí đến từ châu Âu, Mỹ. Khoảng 9.000 phiến quân IS bị giam riêng biệt trong mạng lưới trung tâm giam giữ cùng khu vực.

Các trại tị nạn và trại giam được bảo vệ bởi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), lực lượng do người Kurd lãnh đạo đã cùng Mỹ chống lại IS và hiện được quân đội Mỹ hỗ trợ. Thách thức trước mắt đối với Mỹ và đối tác quốc tế là giảm bớt tình trạng khó khăn của cư dân trại tị nạn và ngăn nỗ lực "cực đoan hóa" người dân của IS.

Nhưng câu hỏi khó khăn hơn là làm thế nào để đảm bảo hàng nghìn cư dân trong các trại tị nạn và phiến quân được hồi hương trước khi khu vực trở nên hỗn loạn hơn. Nếu một chính quyền Mỹ trong tương lai rút hỗ trợ cho SDF hoặc rút lực lượng Mỹ, an ninh tại các trại tị nạn và trại giam có thể sụp đổ và châm ngòi cho sự hồi sinh của IS.

Lo ngại về sự hồi sinh của IS vượt ra ngoài phạm vi Trung Đông. Quan chức Mỹ tin rằng cuộc tấn công khủng bố vào nhà hát Crocus ở ngoại ô Moskva, Nga là một lời cảnh báo. Nhóm ISIS-K, nhánh của IS ở Afghanistan, đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công.

"Al-Hol chắc chắn là quả bom hẹn giờ vì nó hiện là một trong những nơi khốn khổ nhất trên Trái Đất", Dana Stroul, cựu quan chức cấp cao phụ trách khu vực Trung Đông của Lầu Năm Góc, nói.

1 Bom Hen Gio Is Trong Cac Trai Ti Nan Syria

Trại tị nạn Al-Hol ở đông bắc Syria hồi tháng 4/2023. Ảnh: AP

Các tác nhân kích hoạt quả bom hẹn giờ này có thể đến theo nhiều hình thức khác nhau.

Vào tháng 10/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó kêu gọi rút hoàn toàn lực lượng Mỹ khỏi Syria, trước khi đảo ngược quyết định và giữ lại 900 binh sĩ ở quốc gia Trung Đông này. Nếu trở lại Nhà Trắng vào năm tới, không rõ lập trường của ông về Syria sẽ như thế nào.

Mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh ở các trại tị nạn là sự thù địch giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã nhiều lần ném bom và tiến hành các cuộc đột kích vào Syria. Lực lượng người Kurd cảnh báo họ có thể phải từ bỏ nhiệm vụ bảo vệ các trại tị nạn nếu Ankara liên tục tấn công.

Nền chính trị đầy bất ổn của Iraq cũng là một yếu tố đáng lo ngại khác. Nếu những chính trị gia Iraq dòng Shiite theo chủ nghĩa cứng rắn thuyết phục được Baghdad yêu cầu 2.500 lính Mỹ đóng tại nước này rời đi, điều đó có thể làm suy yếu nỗ lực hỗ trợ hậu cần cho lực lượng Mỹ ở đông bắc Syria.

Một thách thức khác là hiện chưa có bất kỳ kế hoạch dự phòng nào về cung cấp nơi ở cho những người di tản khỏi trại tị nạn hoặc nơi giam các phiến quân nếu Mỹ rời Syria và lực lượng Kurd từ bỏ nhiệm vụ.

Cả Mỹ và các đồng minh quốc tế đều không muốn bàn giao các cơ sở này cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khi chính quyền của ông bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Hiện cũng chưa có cuộc thảo luận nào để chuyển giao các cơ sở cho Liên Hợp Quốc, tổ chức quốc tế hiện không có hiện diện ở khu vực.

"Câu hỏi cấp bách hiện nay là chúng ta có thể làm gì để cộng đồng quốc tế hiểu rằng việc hồi hương phải diễn ra nhanh hơn và kế hoạch B là gì nếu Mỹ rời đi", Devorah Margolin, chuyên gia tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, nói.

Trại tị nạn Al-Hol đã có từ nhiều thập kỷ trước. Song dân số của nó, cùng với cơ sở Roj gần đó, đã tăng lên hơn 60.000 người sau trận chiến cuối cùng của IS tại thị trấn Baghouz ở Syria. Tổng dân số hai trại hiện là 46.500 người, trong đó có nhiều phụ nữ đã kết hôn với các phiến quân IS hoặc bị buộc phải có con với họ. Hơn một nửa số cư dân dưới 12 tuổi. Ngoài ra, chưa thể xác định rõ số nam giới có liên kết với IS, theo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.

Lực lượng an ninh gần đây rà soát một trại tị nạn ở Syria, phát hiện hàng chục phiến quân IS và nhiều vũ khí, làm dấy lên lo ngại về sự hồi sinh của bóng ma IS.

Cassandra Bodart, một phụ nữ Bỉ ở trại tị nạn Roj, muốn trở về quê hương nhưng không thể. Cô đã mất con trong vụ đánh bom và hiện không rõ chồng cô, một phiến quân IS, đang ở đâu. Bỉ cho đến nay từ chối nhận cô trở lại. Cô phàn nàn về tình trạng thiếu điện trong trại tị nạn, nhưng mối lo ngại lớn nhất là an ninh.

"Tôi không cảm thấy an toàn", cô nói.

Mạng lưới 22 trung tâm giam giữ phiến quân IS cũng tồn tại những thách thức riêng. Tháng 1/2022, các phiến quân tại một nhà tù lớn ở Hasakah, Syria sử dụng bom để cố gắng đào tẩu, khiến Mỹ phải không kích để ngăn cuộc vượt ngục. An ninh tại nhà tù này sau đó đã được cải thiện.

Song một báo cáo của Lầu Năm Góc năm ngoái cho biết 8 cơ sở giam giữ khác cần được cải thiện an ninh ngay lập tức, trong khi các chương trình huấn luyện lính gác cho trại tị nạn và trại giam đã chậm tiến độ.

Giải pháp lâu dài hơn là giảm số lượng người trong các trại tị nạn và trại giam. Song việc hồi hương diễn ra chậm chạp và nhiều quốc gia không muốn nhận lại công dân của họ, vì lo ngại rủi ro an ninh.

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng tội phạm bạo lực đã giảm trong năm qua, một báo cáo từ chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc thăm Al-Hol vào tháng 7/2023 đã mô tả bầu không khí nguy hiểm.

"Tình trạng bất an tràn ngập cuộc sống hàng ngày trong trại. Các vụ bạo lực, bao gồm giết người, gây tổn hại về thể chất, đe dọa và tấn công tình dục xảy ra thường xuyên, trong khi không có cuộc điều tra hay biện pháp nào được thực hiện để ngăn chặn tái diễn", chuyên gia viết trong báo cáo.

2 Bom Hen Gio Is Trong Cac Trai Ti Nan Syria

Những người phụ nữ xếp hàng chờ nhận đồ cứu trợ tại trại tị nạn Al-Hol ở Syria hồi tháng 3/2019. Ảnh: AP

Trong 3 năm qua, khoảng 10.200 người ở Al-Hol và Roj được hồi hương. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hy vọng có thể hồi hương được vài nghìn người vào năm nay, trong đó có 600-700 người không phải là công dân Iraq hoặc Syria.

Gần 800 phiến quân, chủ yếu là người Iraq, đã bị đưa trở lại quốc gia của họ trong 3 năm qua. Trong khoảng 9.000 phiến quân còn lại trong các trại giam, 1.800 người không phải công dân Iraq hoặc Syria đã gia nhập IS. Nhóm này được đánh giá rất khó hồi hương và năm ngoái, Mỹ chỉ hồi hương được 17 phiến quân Arab Saudi.

Năm nay, họ đang cố gắng làm nhiều hơn, dù quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói phần lớn phụ thuộc vào nỗ lực của các đối tác người Kurd để xác định danh sách.

Hơn 75 quốc gia có công dân trong các trại giam, trong đó có 100 phiến quân người Duy Ngô Nhĩ. Khoảng 40 người Mỹ đã được trả về từ các trại giam, trong đó gần 10 người bị truy tố.

Nga đã hồi hương 448 công dân từ Syria kể từ năm 2019, trong đó phần lớn trở về từ các trại ở đông bắc Syria như Al-Hol và Roj. Khoảng 2.000 công dân Nga vẫn còn trong các trại tị nạn và trại giam, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Tướng Erik Kurilla, chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ trong khu vực, nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm quy mô tại các trại tị nạn. "Điều này đòi hỏi nỗ lực liên tục của cộng đồng quốc tế để đưa các gia đình này trở về quê hương", ông nói.

Tuy nhiên, một giải pháp lâu dài vẫn là điều cần thiết. "Thực tế là Al-Hol đã tồn tại từ trước năm 2019 và sẽ tiếp tục tồn tại", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói. "Chúng tôi không biết chính xác số lượng người ở đây sẽ thay đổi như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ có những người ở Al-Hol và các khu vực lân cận trong thời gian dài".

Thanh Tâm (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC