Thủ tướng Anh Theresa May đã nhận thất bại lớn về thỏa thuận Brexit khi Quốc hội nước này đã bỏ phiếu bác bỏ.

42 1 Brexit That Bai Cay Dang Cua Eu Va Kich Ban 14 Ngay

Người biểu tình phản đối Brexit ăn mừng khi có kết quả cuộc bỏ phiếu của Quốc hội

The Guardian cho biết, kết quả bỏ phiếu tối ngày 15/1 (ngày 16/1 giờ Việt Nam) đã cho thấy bà Theresa May chỉ nhận được 202 phiếu ủng hộ, số phiếu chống là 432 phiếu.

EU lập tức cảnh báo về nguy cơ không có thỏa thuận Brexit nào - kết quả có thể làm gián đoạn hoạt động giao thương, khiến nền kinh tế Anh bị đình trệ cũng như làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu, nơi London đóng vai trò lớn.

"Nếu không thể có được thỏa thuận, và không ai muốn điều này xảy ra, thì ai rốt cuộc sẽ có can đảm mà nói giải pháp tích cực duy nhất là gì", Chủ tịch EU Donald Tusk nói trên Twitter.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo nguy cơ cao về một Brexit "không thỏa thuận", kịch bản có thể phá vỡ thương mại, làm trì trệ nền kinh tế Anh và tàn phá thị trường tài chính.

42 2 Brexit That Bai Cay Dang Cua Eu Va Kich Ban 14 Ngay

Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Quốc hội Anh với thỏa thuận Brexit

Ireland, thành viên EU duy nhất có biên giới trên bộ với Anh, cho biết họ sẽ tăng cường chuẩn bị để đối phó với "Brexit hỗn loạn". Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gọi cuộc bỏ phiếu này là "một ngày cay đắng cho châu Âu".

Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite vạch ra 3 kịch bản có thể xảy ra nếu quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận: Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai, tổ chức một cuộc bầu cử mới để chọn người thay bà May hoặc quay lại Brussels để tái thương lượng.

"Đây là thất bại nặng nề nhất của Chính phủ Anh trước Quốc hội trong lịch sử chính trị hiện đại của quốc gia này" - hãng tin Pháp bình luận.

Còn Daily Teleghrah giật title: "Nỗi nhục nhã trọn vẹn". Cuộc ly hôn đau đớn nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ đang đối mặt với nguy cơ hỗn loạn khi Anh có thể phải rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào trong tay.

Việc Brexit thất bại đã đặt Thủ tướng Anh và quốc gia này đứng trước nhiều thách thức. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu về việc Anh rời liên minh châu Âu EU được công bố, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà May vào ngày 16/1.

Theo Luật Nghị viện Có Thời hạn năm 2011 của Anh, nếu chính phủ thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, một quy trình 2 tuần sẽ được khởi động và có thể dẫn đến cuộc tổng tuyển cử mới trên toàn quốc để chọn ra thủ tướng tiếp theo.

Trong 14 ngày này, chính phủ của bà May nếu thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, phải giành lại được sự tín nhiệm của hạ viện, với đa số ủng hộ, trong một cuộc bỏ phiếu khác. Nếu không, về mặt lý thuyết, ông Corbyn có thể tự xây dựng liên minh với các đảng đối lập khác để lên nắm quyền.

Còn với nước Anh, vấn đề Brexit sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đầu tiên, EU không đề xuất bất kỳ "thỏa thuận thay thế nào". Điều này đồng nghĩa với việc London sẽ rời EU với Brexit hoặc không.

Brexit cho phép nền kinh tế Anh - lớn thứ 5 thế giới được phép giữ nguyên các quy định về thương mại của họ với thị trường xuất khẩu lớn nhất - EU. Điều này được kéo dài đến năm 2020 để chuẩn bị cho các thỏa thuận tiếp theo.

Việc chuyển đổi đột ngột sang các tiêu chuẩn khác sẽ tác động đến hầu như mọi lĩnh vực kinh tế và có thể khiến khủng hoảng diễn ra ngay tại Anh. Đặc biệt các trung tâm tàu biển, bến cảng, logistics sẽ là lĩnh vực đầu tiên chịu tác động bởi sự thay đổi về thuế quan, tự do đi lại trong châu Âu...

Như vậy, Thủ tướng Theresa May phải lường trước viễn cảnh u ám. Nếu bà tiếp tục thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra vào hôm 16/1 giờ địa phương, bà sẽ có thời gian 2 tuần để giành lại sự tín nhiệm, cũng như cảnh báo với nền kinh tế quốc gia này về những nguy cơ mà họ phải gánh chịu.

Rất có thể, 2 tuần vàng ngọc này sẽ là cứu cánh cho không chỉ bà Thủ tướng, mà còn là với cả một thỏa thuận Brexit. Như vậy, bà May hoàn toàn có thể tái trưng cầu dân ý và kêu gọi một cuộc bỏ phiếu khác với Quốc hội.

Không có quy định nào buộc Anh không được tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai, nhưng nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu điều này có dân chủ hay không. Cuộc bỏ phiếu Brexit mới cũng có thể tiếp tục chứng kiến sự chia rẽ trong công chúng Anh tương tự lần trước.

Nguồn: Minh Hoàng/ Baodatviet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC