Chính phủ Malaysia lên kế hoạch áp dụng hệ thống giá hai tầng đối với loại xăng RON95 được sử dụng phổ biến nhất - Ảnh: BLOOMBERG
Theo trang Bloomberg, ngày 21-10, cam kết cắt giảm trợ cấp xăng dầu "một lần trong đời" được dự kiến thực hiện vào giữa năm 2025 của Chính phủ Malaysia sẽ phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía công chúng.
Chính sách này được xem là một cam kết nhạy cảm về mặt chính trị và vốn đã bị trì hoãn trong thời gian dài, tuy nhiên nó được cho là chìa khóa thuyết phục các nhà đầu tư rằng Malaysia nghiêm túc thực hiện các cải cách tài chính của quốc gia.
Theo đó, chính phủ đang cân nhắc áp dụng hệ thống giá hai tầng cho loại xăng được sử dụng nhiều nhất - RON95.
Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli cho biết hôm 19-10, 15% người giàu nhất quốc gia sẽ phải mua xăng RON95 với giá thị trường không qua ưu đãi từ phía chính phủ, trong khi phần còn lại sẽ tiếp tục được hưởng mức giá ưu đãi như hiện tại.
Nếu áp dụng chính sách này, Malaysia có thể tiết kiệm 1,9 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, nhiều khả năng quốc gia này cũng sẽ phải đối mặt với những đợt tăng giá thứ cấp, tức là khi giá xăng tăng, chi phí vận chuyển và sản xuất hàng hóa cũng tăng theo và dẫn đến lạm phát.
“Chúng tôi đã sẵn sàng đối mặt với những khó khăn ở phía trước”, ông Rafizi chia sẻ trong buổi phỏng vấn ngày 21-10.
Với ông, quyết định này “mang tính thế hệ và ảnh hưởng đến cuộc sống của toàn bộ người dân”, do đó chính phủ đã dành nhiều thời gian để giải thích và chuẩn bị cho người dân về lý do cải cách trợ giá.
Trong nhiều năm qua, chính quyền Malaysia đã lên kế hoạch và hiện thực hóa chính sách này. Với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, quyết định này cực kỳ quan trọng khi ông đang tìm cách nâng cao uy tín trong mắt các nhà đầu tư, đồng thời tránh đi vào vết xe đổ của ba người tiền nhiệm trước đó khi không có ai tại vị quá hai năm.
Ông Anwar sẽ cần phải cân bằng lợi ích của tất cả các đảng chính trị trong liên minh cầm quyền.
Với số lượng xe cộ vượt quá dân số, chính sách hai tầng giá với xăng RON95 được đánh giá sẽ mang đến áp lực rất lớn cho chính phủ khi người dân Malaysia phần lớn phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.
“Việc thực thi chính sách này một cách lâu dài và bền vững là hy vọng của tôi, đồng thời cũng sẽ là trách nhiệm của chính phủ”, ông Rafizi khẳng định.
HÀ ĐÀO
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online