Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AFP, yêu cầu của 9 cơ quan thông tấn, báo chí được nêu ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về chính sách mới, buộc các công ty Internet như Facebook, Google, Twitter và một số công ty khác, phải trả nhiều triệu USD tiền bản quyền sử dụng các nội dung tin tức trên nền tảng này hoặc cung cấp các đường dẫn liên kết tới những nội dung thông tin đó.
Trong nội dung khiếu nại của các công ty đăng tải trên nhật báo Pháp Le Monde có đoạn: "Facebook đã trở thành công ty truyền thông lớn nhất thế giới."
"Tuy nhiên cả Facebook lẫn Google đều không có một phòng sản xuất tin tức… Họ cũng không có các nhà báo phải liều mạng sống tác nghiệp tại Syria, cũng không hề có văn phòng nào tại Zimbabwe để điều tra vụ ông (Robert) Mugabe bãi nhiệm, cũng không có các biên tập viên để kiểm tra, xác minh thông tin do các phóng viên tại thực địa gửi về".
"Tiếp cận thông tin miễn phí được cho là một trong những chiến thắng lớn nhất của mạng Internet. Tuy nhiên đó chỉ là sự nhầm tưởng. Vì ở khúc cuối của dây chuyền tin tức này, việc cung cấp thông tin tới công chúng mang lại rất nhiều tiền bạc".
Ảnh: REUTERS
Theo các cơ quan thông tấn, báo chí này, tiếp cận tin tức chính là lý do thứ hai sau mục đích kết nối thông tin với gia đình, bè bạn khi một ai đó truy cập Facebook, mạng xã hội đã tăng gấp 3 lợi nhuận của họ trong năm ngoái lên 10 tỉ USD.
Tuy nhiên chính các đại gia Internet mới là những bên gặt hái lợi nhuận khủng "từ lao động của người khác" khi thu về từ 60-70% doanh thu quảng cáo, thu nhập của Google đã tăng 1/5 theo năm.
Trong khi đó, thu nhập từ quảng cáo với các hãng thông tấn báo chí tại Pháp đã giảm 9% chỉ trong năm ngoái, đó là một "thảm họa với ngành" này.
Lá đơn khiếu nại có chữ ký của 9 cơ quan thông tấn, báo chí gồm:
AFP; hãng thông tấn Đức DPA; Hiệp hội báo chí Anh; hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE; Hãng thông tấn Ansa của Ý; hãng thông tấn TT của Thụy Điển; Belga của Bỉ; APA của Áo và hãng thông tấn ANP của Hà Lan.
Theo: TUOITRE.VN