Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha và Anh đồng loạt cho biết trong một tuyên bố chung hôm 19-11 rằng Nga đang mở cuộc tấn công ‘có hệ thống’ nhằm vào cấu trúc an ninh châu Âu.

1 Cac Ngoai Truong Chau Au To Nga Dang Tan Cong Co He Thong Vao Cau Truc An Ninh Chau Au

Bộ trưởng Ngoại giao và Châu Âu Pháp Jean-Noel Barrot, Bộ trưởng Ngoại giao Ý Antonio Tajani, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock và Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) của Estonia Kaja Kallas trước cuộc hội đàm chung hôm 19-11 tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Reuters, bộ trưởng ngoại giao các nước Đức, Pháp, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha và Anh gọi các cuộc tấn công “có hệ thống” của Nga nhằm vào lục địa già là điều “chưa từng có từ trước đến nay cả về sự đa dạng lẫn về quy mô”.

Tăng cường hơn nữa yếu tố châu Âu

Tuyên bố của các nhà ngoại giao châu Âu được đưa ra khi ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva (hay còn gọi là Lithuania) đang điều tra về hành vi phá hoại có chủ ý, sau khi hai tuyến cáp ngầm dưới biển Baltic bị cắt đứt.

“Các hoạt động 'chiến tranh hỗn hợp' (tức kết hợp giữa biện pháp quân sự và phi quân sự) làm leo thang tình hình của Matxcơva chống lại các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) là các cuộc tấn công chưa từng có ‘cả về sự đa dạng lẫn về quy mô’, tạo ra rủi ro an ninh đáng kể”, các ngoại trưởng cho biết trong cuộc hội đàm vế kế hoạch hỗ trợ Ukraine tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) hôm 19-11.

Đồng thời, các quan chức ngoại giao hàng đầu của châu Âu khẳng định vai trò về lâu dài của một liên minh NATO mạnh mẽ và đoàn kết.

Cũng liên quan đến những diễn biến về tình hình ở châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock tuyên bố các nước đồng minh cần phải tăng cường hơn nữa “yếu tố châu Âu” trong liên minh NATO.

“Chúng tôi đều nhất trí rằng để bảo vệ an ninh và củng cố năng lực răn đe, chúng ta phải tăng cường hơn nữa trụ cột châu Âu trong khối NATO”, bà Baerbock phát biểu sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp Ba Lan, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh.

Nữ Ngoại trưởng Đức đã tiết lộ kế hoạch đầu tư hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước châu Âu vào lĩnh vực an ninh.

Ba Lan dọa đóng cửa các lãnh sự quán Nga

Cũng trong ngày 19-11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski đe dọa Warsaw sẽ đóng cửa các lãnh sự quán còn lại của Nga trên lãnh thổ Ba Lan nếu Matxcơva không chịu ngừng thực hiện các “hành vi phá hoại” ở châu Âu.

Giới quan sát nhận định "hành vi phá hoại" mà ông Sikorski đề cập có thể đang ám chỉ vụ hai tuyến cáp ngầm dưới biển Baltic bị cắt đứt.

“Trước đó, chúng tôi đã đóng cửa lãnh sự quán Nga ở thành phố Poznan. Nếu họ không chịu dừng lại, chúng tôi sẽ đóng cửa các lãnh sự quán còn lại của họ”, ông Sikorski phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 19-11.

Phía Nga chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về phát biểu của các ngoại trưởng châu Âu.

Cuộc hội đàm của các bộ trưởng ngoại giao châu Âu diễn ra ít lâu sau khi Chính phủ Nga cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi.

Theo bản sửa đổi mới, việc ngăn chặn kẻ thù tiềm tàng gây hấn với Nga và các đồng minh là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Bất kỳ hành động gây hấn nào của một quốc gia thuộc liên minh quân sự chống Nga hoặc các đồng minh sẽ được coi là hành động gây hấn của toàn bộ liên minh đó.

Tuy nhiên, phía Matxcơva tuyên bố chính sách của Nhà nước Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân chỉ mang tính chất phòng thủ.

Tổng thống Zelensky: Có thể có 100.000 binh sĩ Triều Tiên ở Nga

2 Cac Ngoai Truong Chau Au To Nga Dang Tan Cong Co He Thong Vao Cau Truc An Ninh Chau Au

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp trước Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine hôm 19-11 nhân dịp đánh dấu 1.000 ngày chiến sự - Ảnh: REUTERS

Phát biểu trực tuyến trước Nghị viện châu Âu (EP) hôm 19-11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết số lượng binh sĩ Triều Tiên đồn trú tại Nga có thể lên đến 100.000 người.

Kiev và các đồng minh phương Tây cũng nói rằng Bình Nhưỡng đã cung cấp vũ khí và binh sĩ cho Matxcơva để củng cố “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga triển khai tại Ukraine.

Tuần trước, Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) Hàn Quốc cho biết trong một thông báo rằng quân đội Triều Tiên đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu với quân đội Ukraine. Trong khi đó, cả Bình Nhưỡng và Matxcơva đều tránh trả lời các câu hỏi trực tiếp về vấn đề này.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày 19-11, Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine sẽ không đánh đổi hoặc từ bỏ chủ quyền đối với lãnh thổ của mình.

Phát biểu trước Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine hôm 19-11 nhân dịp đánh dấu 1.000 ngày chiến sự, ông Zelensky đã kêu gọi người dân và các quan chức Ukraine đoàn kết. Đồng thời Tổng thống Ukraine nói thêm rằng chiến sự đã đi đến thời điểm quan trọng để quyết định người thắng kẻ bại.

UYÊN PHƯƠNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC