Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận của quân đội Lithuania và lữ đoàn Pháp - Đức tại Lithuania hồi tháng 5 (Ảnh: AFP).
Báo Der Spiegel (Đức) ngày 26/5 đưa tin, các nghị sĩ quốc hội tại các nước vùng Baltic đã cảnh báo các quan chức Đức rằng, chính phủ của họ sẵn sàng gửi quân tới Ukraine nếu Nga đạt được những bước tiến đáng kể.
Der Spiegel không nêu tên bất kỳ quan chức nào cũng như không xác định họ đại diện cho quốc gia nào, nhưng cho biết họ nêu lên mối lo ngại về chính sách hiện tại của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đối với cuộc chiến tại Ukraine.
Ông Scholz đã từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Đức cung cấp trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, tương tự lập trường của Washington là không cho phép Kiev sử dụng vũ khí được Mỹ viện trợ cho các cuộc tấn công ngoài biên giới Ukraine.
Theo Der Spiegel, các quan chức vùng Baltic lo ngại những chính sách như vậy tạo ra nỗ lực nửa vời trong việc hỗ trợ Kiev và có thể cho phép Nga chiếm thế thượng phong ở Ukraine.
Các quan chức cũng nói rằng nếu Moscow giành được lãnh thổ đáng kể ở miền Đông Ukraine, chính phủ các nước Baltic và Ba Lan có thể đưa quân vào khu vực xung đột ngay cả trước khi Nga triển khai binh lính đến biên giới của họ.
Theo Der Spiegel, lập luận của các quan chức vùng Baltic là việc hành xử kiềm chế với Moscow có thể gây tác dụng ngược và thay vào đó dẫn đến sự leo thang.
Tương tự Ukraine, các nước vùng Baltic, gồm Estonia, Latvia và Lithuania, trước đây là một phần của Liên Xô. Họ nằm trong số những thành viên có tiếng nói mạnh nhất trong NATO nhằm thúc đẩy phần còn lại của liên minh tăng cường hỗ trợ cho Kiev, vì lo ngại Nga có thể tìm cách tiếp tục mở chiến dịch quân sự ở các nước khác nếu giành chiến thắng ở Ukraine.
Cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, họ đã nhiều lần ám chỉ rằng các nước Baltic không loại trừ khả năng gửi quân NATO tới Ukraine.
Đặc biệt, các quan chức Estonia gần đây đã phát tín hiệu về khả năng triển khai quân đội nước này để thực hiện các nhiệm vụ ngoài chiến đấu và hỗ trợ lực lượng Ukraine trên tiền tuyến. Một số quan điểm cho rằng những hành động như vậy có thể nhanh chóng leo thang xung đột thành một cuộc chiến trực tiếp giữa NATO và Nga.
Trước đó, sau cuộc họp của hơn 20 lãnh đạo phương Tây hôm 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về kịch bản đưa quân đến Ukraine. Ông cho biết, tuy chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này, song phương Tây không loại trừ bất cứ kịch bản nào.
Bất chấp chỉ trích và cảnh báo của Nga, ông Macron tiếp tục đưa ra những tuyên bố tương tự gần đây. Ông nói, Pháp có thể triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine với 2 điều kiện: phòng tuyến của Ukraine sụp đổ và Kiev nhờ Pháp hỗ trợ.
Ý tưởng triển khai quân đến Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Nga giành ưu thế trên chiến trường giữa lúc quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực, vũ khí và đạn dược nghiêm trọng.
Kiev đến nay chưa chính thức đề nghị các đồng minh phương Tây triển khai quân đội trên lãnh thổ. Thay vào đó, Ukraine hối thúc đồng minh nhanh chóng viện trợ các tổ hợp phòng không, vũ khí tầm xa.
Theo Business Insider