Hành khách tại nhà ga tàu cao tốc ở Hong Kong (Trung Quốc) đeo khẩu trang đề phòng dịch bệnh. Ảnh: SCMP
Giới chức tại Nhật Bản và Malaysia đã chuẩn bị các biện pháp để xử lý như đo thân nhiệt hành khách đi tàu, chuẩn bị giường bệnh cách ly…
Kể từ khi bùng phát vào cuối tháng 12/2019, đã có 59 trường hợp nhiễm “viêm phổi lạ” tại Vũ Hán (Trung Quốc). Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 9/1 đưa tin rằng dựa trên điều tra ban đầu, loại virus gây “viêm phổi lạ” là coronavirus mới. Loại virus này khá phổ biến là lây lan qua ho, hắt hơi, tiếp xúc với người nhiễm.
SARS là một họ của coronavirus. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2002-7/2003, đại dịch SARS đã càn quét 37 quốc gia trên thế giới khiến hơn 8.000 người mắc, trong đó có 774 người thiệt mạng.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi (SCMP) sáng dẫn lời ông Masayuki Saijo – người đứng đầu Viện Quốc gia bệnh lây nhiễm Nhật Bản nhận định: “Ở thời điểm này, cộng đồng y tế quốc tế phải làm việc với thông tin chi tiết rất hạn chế. Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về bệnh nhân”.
Việc dịch bệnh “viêm phổi lạ” bùng phát ngay trước thềm Tết Nguyên Đán – kỳ nghỉ lễ đặc biệt nhất trong năm của nhiều quốc gia châu Á khiến các chính phủ phải đưa ra biện pháp đề phòng thích hợp và nhanh chóng.
Nhiều nước tại Đông Á và Đông Nam Á đã lên tiếng yêu cầu bất cứ ai từng đến Trung Quốc trong thời gian gần đây báo cáo ngay với bác sĩ nếu họ có triệu chứng như sốt và khó thở.
Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cảnh báo công dân không tiếp xúc với động vật hoặc thịt sống. Một số virus trong họ coronavirus như SARS và H7N9 được cho lây truyền sang con người từ động vật và đều phát hiện bắt nguồn từ các khu chợ có bán sản phẩm thịt sống.
Singapore trong khi đó vào ngày 5/1 thông báo trường hợp nhiễm “viêm phổi lạ” đầu tiên là một cô bé 3 tuổi vừa đi đến Vũ Hán. Ông Leong Hoe Nam tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore) cho biết đạo luật về bệnh truyền nhiễm tại nước này cho phép chính phủ điều trị cách ly bất cứ ai nghi vấn mang mầm bệnh.
Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã ra lệnh yêu cầu tất cả khách đi bằng tàu hỏa từ Vũ Hán phải kiểm tra nhiệt độ.
Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah trong khi đó tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tại các điểm nhập cảnh vào quốc gia này.
Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản ngày 8/1 cho biết đang điều tra về căn bệnh lạ tại Trung Quốc. Bộ này cũng đề nghị bất cứ ai đến từ Trung Quốc có triệu chứng ho, nhiệt độ cao ngay lập tức tìm đến bác sĩ. Các poster khuyến cáo tương tự bằng tiếng Nhật, Trung Quốc và tiếng Anh cũng được đặt tại sân bay và cảng khắp nước Nhật.
Hàn Quốc ngày 8/1 thông báo về trường hợp đầu tiên nghi mắc “viêm phổi lạ”. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết một người phụ nữ Trung Quốc 36 tuổi từng đến Vũ Hán trong tháng 12 đã có các biểu hiện và được cách ly để điều trị. Người phát ngôn của KCDC cho biết người phụ nữ này đang ở trong tình trạng ổn định.
Máy đo thân nhiệt được lắp đặt tại cửa vào mọi chuyến bay từ Vũ Hán. Kể từ ngày 31/12/2019, có 1.800 hành khách đã nhập cảnh vào Hàn Quốc từ Vũ Hán.
Các chuyên gia cho biết những kinh nghiệm thu được từ dịch SARS đang được áp dụng tại Trung Quốc và Nhật Bản. Theo nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, rủi ro về bùng phát dịch lớn hơn khá thấp nếu loại virus gây “viêm phổi lạ” này được xác nhận không lây truyền từ người sang người.
Ông Leong Hoe Nam tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore) khuyến khích người dân đeo mặt nạ để ngăn chặn sự lây lan của virus này.
Hà Linh/Báo Tin tức