Ông Trump tuyên bố sẽ ngăn người tị nạn đến Mỹ khi nhậm chức và đây là lời hứa hoàn toàn nằm trong khả năng thực hiện của ông.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng nói ông có kế hoạch "hoãn việc tiếp nhận người tị nạn và ngăn các phần tử khủng bố vào đất nước chúng ta" ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Đây đều là những điều nằm trong quyền lực hành pháp của tổng thống Mỹ, bất chấp chính sách tiếp nhận người tị nạn của Mỹ.

Các quy định về tiếp nhận người tị nạn đã được quốc hội Mỹ thiết lập, trong đó có Đạo luật Người tị nạn năm 1980. Vì thế, bất kỳ nỗ lực nào nhằm chấm dứt chương trình nhận người xin tị nạn ở Mỹ đều cần được quốc hội thông qua. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ có rất nhiều thẩm quyền trong vấn đề này và ông Trump đã thực hiện rất triệt để quyền đó trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

1 Cach Ong Trump Co The Bit Cua Toi My Cua Nguoi Ti Nan

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee ở Paris hôm 7/12. Ảnh: AFP

Tổng thống là người quyết định có bao nhiêu người xin tị nạn được phép vào Mỹ trong một năm và ông Trump đã hạ đáng kể mức trần tiếp nhận ở nhiệm kỳ đầu tiên. Tổng thống Mỹ cũng hoàn toàn có quyền ra lệnh tạm dừng tiếp nhận người tị nạn trong trường hợp khẩn cấp, như những gì George W. Bush đã làm sau vụ khủng bố 11/9/2001.

"Mỗi tổng thống đều sử dụng thẩm quyền của mình để mở rộng hoặc thu hẹp chương trình tị nạn tùy theo hoàn cảnh", Eric Welsh từ Công ty Luật Nhập cư Reeves, cho hay. "Đây là thứ rất dễ bị tác động bởi chính sách của ông Trump".

Về mặt kỹ thuật, có những giới hạn pháp lý nhất định về mức độ can thiệp của tổng thống đối với chương trình tị nạn, song chính quyền ông Trump cũng có thể làm rất nhiều thứ để gây sức ép lên nó, giới quan sát đánh giá.

Người tị nạn là những người di cư hy vọng thoát khỏi các mối đe dọa và điều kiện khắc nghiệt ở quốc gia quê hương để định cư ở một quốc gia an toàn, trong trường hợp này là Mỹ.

Để được xác định là người tị nạn, người di cư phải trải qua quá trình thẩm định khi họ ở bên ngoài Mỹ. Họ thường được Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn sàng lọc trước, sau đó tới chính phủ Mỹ.

Sau khi vượt qua quá trình thẩm định, họ sẽ nhận được thị thực để đến Mỹ, nơi họ được hỗ trợ những thứ cơ bản như tìm nhà ở, tìm trường cho con và đăng ký các phúc lợi chính phủ thông qua Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn Mỹ.

Người tị nạn có thể làm việc khi đã đến Mỹ và có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch Mỹ khi họ có tư cách pháp nhân hợp lệ.

Năm 2017, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã dừng tiếp nhận người tị nạn trong ba tháng.

"Lý do là để xác định xem chương trình tị nạn của Mỹ có an toàn và bảo mật hay không trước những rủi ro an ninh", Welsh cho biết, thêm rằng ông Trump cũng cấm người Syria tham gia chương trình tái định cư người tị nạn vô thời hạn cho đến năm 2018.

"Và sau đó, ông ấy đã đẩy lệnh cấm người Hồi giáo tiến xa hơn một bước nữa, bằng cách cấm những người xin tị nạn từ một số quốc gia nhất định", như Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, Welsh nói thêm.

Tòa án Tối cao đã cho phép lệnh cấm đó được duy trì sau hơn một năm kiện tụng.

2 Cach Ong Trump Co The Bit Cua Toi My Cua Nguoi Ti Nan

Hai mẹ con người tị nạn Afghanistan tại sân bay quốc tế Dulles, Virginia, Mỹ, hồi tháng 9/2021. Ảnh: Reuters

Trump còn giảm đáng kể tổng số người tị nạn được phép vào Mỹ trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên. Ông đã đặt ra mức trần chỉ tiếp nhận 15.000 người tị nạn cho năm 2021. Để so sánh, trong năm 2024, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhận 125.000 người tị nạn.

Những nhà hoạt động ủng hộ tiếp nhận người tị nạn quan ngại Trump sẽ quyết liệt hơn nữa trong nhiệm kỳ thứ hai và Tổng thống đắc cử đã cho thấy ông thực sự quyết tâm làm như vậy.

Đầu tiên, Trump hứa sẽ đóng băng chương trình như ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên, song không rõ quá trình này sẽ bị tạm dừng trong bao lâu hoặc với lý do là gì.

Theo Welsh, Tổng thống đắc cử cũng có thể áp dụng một phiên bản khác của lệnh cấm đi lại năm 2017. "Điều đáng lo ngại là lần này, sau 4 năm suy nghĩ, ông Trump sẽ cố gắng thực hiện lệnh cấm đi lại thêm một lần nữa và thực hiện nó tốt hơn, bởi ông ấy giờ đây có quá nhiều thẩm quyền trong lĩnh vực này", ông nói.

Trump cũng có thể đơn giản là hạ thấp mức trần cho phép số lượng người tị nạn vào Mỹ hàng năm, như nhiệm kỳ đầu tiên.

Chris Opila, luật sư tại Hội đồng Di trú Mỹ, cảnh báo Trump và chính phủ của ông cũng có thể sử dụng nhiều biện pháp hành chính khác để tác động tới chương trình tị nạn.

"Chính quyền Trump hoàn toàn có thể điều các viên chức phụ trách vấn đề tị nạn sang thực hiện những nhiệm vụ khác hay làm giảm nguồn lực phê duyệt đơn xin tị nạn", Opila nói.

Theo ông, dưới chính quyền Trump trước đây, các thay đổi đã khiến cơ quan tái định cư liên bang phải đóng cửa một số văn phòng và lần này, Tổng thống đắc nhiều khả năng cũng sẽ áp dụng các biện pháp nhằm làm chậm quá trình xử lý người tị nạn và hạn chế số lượng người có thể nhập cảnh.

Sau cùng, Trump là người khó đoán và không thể nói trước được ông sẽ làm gì hoặc không làm gì sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025. Nhưng nếu coi nhiệm kỳ đầu tiên của ông là một dấu hiệu, những người xin tị nạn có thể sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều trở ngại nếu muốn đặt chân đến Mỹ, Welsh nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo Vox, AFP, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC