Bắt đầu từ năm 2007, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện lệnh cấp xe máy khỏi các tuyến đường chính và các khu vực trung tâm. Lúc đó chính quyền thành phố này cho biết dĩ nhiên đó chỉ là bước đầu để thực hiện lệnh cấm xe máy ở mọi ngõ ngách của thành phố.
Bãi để xe máy sau khi có lệnh cấm xe máy ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Ngay trong đầu tháng 2/2007, chính quyền thành phố đã nhận được rất nhiều cuộc gọi và thư từ người dân gửi tới. Hầu hết đều quan tâm tới việc rất nhiều người đi xe máy, nhất là những người phải dựa vào xe máy để mưu sinh, sẽ bị ảnh hưởng.
Chia sẻ với truyền thông Trung Quốc lúc đó, một lái xe ôm tên là Li Mingqing cho biết sau lệnh cấm anh trở nên bận rộn hơn vì ít đi sự cạnh tranh. Tuy nhiên, Li Mingqing rất lo sợ hoạt động xe ôm chui sẽ bị cảnh sát phát hiện.
“Tôi sẽ cố gắng duy trì công việc tới ngày cuối cùng, nếu có thể tôi sẽ tìm công việc khác. Còn nếu không có công việc nào khác thì có lẽ tôi sẽ về nhà làm ruộng”, Li Mingqing nói trên China Daily.
Trong khi nhiều người bạn của Li cũng làm nghề xe ôm, khi có lệnh cấm xe máy họ đã di chuyển ra vùng ngoại ô để tiếp tục công việc của mình.
Lái xe ôm hoạt động chui ở Quảng Châu khi mới có lệnh cấm xe máy.
Khi xe máy bị cấm, rất nhiều người dân quen sử dụng phương tiện này để đi làm sẽ phải chuyển sang đi xe buýt và tàu điện. Huang, một cư dân 56 tuổi ở Quảng Châu lúc bấy giờ cho biết, cấm xe máy sẽ làm lợi cho nhiều người. Huang rất sợ nạn cướp giật sử dụng xe môtô.
Tuy nhiên, Huang cũng lo lắng rằng dịch vụ xe buýt và tàu điện lúc này còn quá đông đúc. Các phương tiện công cộng cần hoạt động hiệu quả hơn để có thể tăng được lượng người di chuyển.
Trong khi đấy, một số cư dân sống ở khu vực ngoại ô cũng thấy quá nhiều bất tiện để di chuyển vào trung tâm thành phố sau khi lệnh cấm xe máy có hiệu lực. Gong Xiaoqing, người sống ở ngoại ô Quảng Châu, cho biết, ngoài xe buýt thì mình không có lựa chọn nào.
Nhiều khi anh phải đợi cả tiếng đồng hồ mới bắt được tuyến xe buýt.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT