Ảnh minh họa: Reuters
Facebook đã tước quyền xem và chia sẻ tin tức của người dân Australia trên nền tảng của mình vì cho rằng họ không còn lựa chọn nào khác trước dự luật nội dung mới. Tuy nhiên, một số cơ quan chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng dù không hề liên quan, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ tại nước này và toàn thế giới.
Thủ tướng Morrison chỉ trích Facebook vì “hủy kết bạn” với Australia và cho biết đã nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo các nước Anh, Canada, Pháp. Trả lời trước báo chí hôm 19/2, ông nói “nhiều nơi trên thế giới quan tâm tới những gì Australia đang làm. Đó là lý do vì sao tôi mong muốn Facebook hợp tác trên tinh thần xây dựng, vì họ biết nhiều nước phương Tây khác sẽ làm theo những gì Australia sẽ làm ở đây”.
Theo Reuters, dự kiến Thượng viện Australia sẽ thông qua dự luật nội dung vào tuần tới. Dự luật buộc Facebook và Google phải ký thỏa thuận thương mại với các nhà xuất bản trong nước nếu không muốn phải đối mặt với trọng tài bắt buộc.
Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết đã trao đổi lần thứ hai với CEO Mark Zuckerberg sau khi Facebook chặn người dân tiếp cận tin tức trên nền tảng. “Chúng tôi đã nói về những vấn đề còn tồn tại và đồng ý rằng các nhóm sẽ xử lý ngay lập tức. Chúng tôi sẽ nói chuyện lần nữa vào cuối tuần”, ông Frydenberg viết trên Twitter.
Trong tuyên bố hôm 18/2, Facebook cho rằng luật Australia “hiểu lầm” giá trị của mạng xã hội với các nhà xuất bản. Cả Facebook và Google đều tổ chức các chiến dịch chống lại quy định, đe dọa rút các dịch vụ quan trọng khỏi đất nước nếu luật có hiệu lực. Tuy nhiên, Google mới đây thông báo một loạt giao dịch bản quyền tin tức. Facebook đã khôi phục một số trang của cơ quan chính phủ nhưng vài tổ chức từ thiện, phi lợi nhuận vẫn chìm trong bóng tối.
Canada thề là nước tiếp theo buộc Facebook trả tiền cho báo chí
Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault, người đang phụ trách soạn thảo quy định tương tự Australia để giới thiệu trong vài tháng tới, lên án hành động của Facebook. Phát biểu với phóng viên, ông nói Canada đang ở “tuyến đầu của trận chiến này… Chúng ta thực sự nằm trong nhóm các nước đầu tiên trên thế giới làm điều đó”.
Năm 2020, các tổ chức truyền thông Canada cảnh báo tổn thất nếu chính phủ không hành động. Họ cho biết nếu tiếp cận theo cách của Australia, các nhà xuất bản có thể thu về 620 triệu CAD/năm. Nếu không, Canada sẽ mất 700 trên tổng số 3100 việc làm liên quan tới báo in.
Theo ông Guilbeault, Canada có thể áp dụng mô hình của Australia, đó là yêu cầu Facebook và Google ký thỏa thuận trả tiền cho các hãng tin có liên kết được chia sẻ trên nền tảng hoặc đồng ý với giá mà trọng tài bắt buộc đưa ra. Một lựa chọn khác là làm theo Pháp, đề nghị các nền tảng công nghệ lớn đàm phán với nhà xuất bản để thống nhất về khoản phí khi sử dụng nội dung tin tức. Canada sẽ nghiên cứu xem mô hình nào phù hợp nhất. Tuần trước, ông Guilbeault đã thảo luận với các đối tác tại Pháp, Australia, Đức và Phần Lan để cùng nhau bảo đảm đền bù công bằng cho nội dung web.
“Tôi nghĩ rằng sớm thôi, chúng ta sẽ có 5, 10, 15 nước áp dụng quy định tương tự… Liệu Facebook có cắt đứt quan hệ với Đức, với Pháp hay không”?
Giáo sư Đại học Toronto Megan Boler nhận xét hành động của Facebook đánh dấu bước ngoặt quan trọng, đòi hỏi cách tiếp cận chung trên toàn cầu. Trả lời phỏng vấn Reuters qua điện thoại, bà nói “chúng ta thực sự có thể chứng kiến một mặt trận thống nhất chống lại thế lực độc quyền này và vô cùng mạnh mẽ”.
Google cũng sẽ là đối tượng của luật mới tại Canada do Ottawa muốn một cách tiếp cận công bằng, minh bạch và có thể đoán định.
Không chỉ Australia và Canada, Mỹ và các quốc gia châu Âu khác cũng đang tìm cách kiểm soát ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ như Facebook và Google... (còn được gọi là nhóm Big Tech). Các tập đoàn toàn cầu này ngày càng lạm dụng vị thế công nghệ của họ để can thiệp sâu và lũng đoạn nhiều lĩnh vực của các quốc gia như quảng cáo trực tuyến, truyền thông và chính trị.
Theo ICTNews
Nguồn: viettimes.vn