Bức ảnh phía Mỹ công bố cho thấy tàu dầu Kokuka Courageous của Nhật Bản bị tấn công ở vịnh Oman ngày 13-6-2019 - Ảnh: REUTERS
Mặc dù các vụ tấn công này chỉ gây thiệt hại cho các tàu chở dầu, chưa gây thiệt hại về người và mới dừng lại ở "võ mồm" nhưng đã làm gia tăng báo động về khả năng xung đột nổ ra giữa Washington và Tehran trong bối cảnh sự ngờ vực và không khí thù địch giữa hai bên ngày càng gia tăng.
Do đó, bất kỳ tính toán sai lầm nào của hai bên đều có thể phải trả giá rất đắt.
Đẩy căng thẳng để... bán dầu?
Mỹ cho rằng có các bằng chứng xác đáng cho thấy Iran đứng đằng sau các vụ tấn công này. Để chứng minh cáo buộc, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra đoạn video được cho là ghi lại hình ảnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đang gỡ một số vật thể được cho là các quả ngư lôi chưa phát nổ bên hông tàu chở dầu Kokuka Courageous bị tấn công.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói "Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công này. Kết luận này dựa trên các thông tin đến tình báo, vũ khí được sử dụng, chuyên môn cần thiết để thực hiện vụ tấn công".
Tổng thống Trump trả lời trên truyền hình cũng khẳng định "Iran đã làm chuyện này và mọi người biết họ đã làm thế vì mọi người đã nhìn thấy tàu Iran".
Iran kịch liệt bác bỏ những cáo buộc từ Mỹ, cho rằng các lực lượng thù địch với Iran đã dàn dựng vụ việc này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho rằng đoạn video đó không chứng minh được điều gì và Iran đang bị "gài bẫy". Ngoại trưởng Iran thậm chí cáo buộc Mỹ chơi trò "ngoại giao phá hoại và che giấu cuộc khủng bố kinh tế nhằm vào Iran".
Những ý kiến hoài nghi các cáo buộc của Mỹ thì cho rằng những bằng chứng mà Mỹ đưa ra cho đến nay chưa đủ thuyết phục và Iran không có động cơ nào để làm gia tăng căng thẳng và đối đầu với Mỹ.
Việc Mỹ quy kết các vụ tấn công này cho Iran được cho là nhằm gia tăng sức ép với Iran, để biện minh cho các biện pháp cứng rắn áp dụng với Iran và tranh thủ sự ủng hộ của các nước cho chính sách Iran của Mỹ.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Iran có động cơ để thực hiện các việc này. Iran tìm cách tấn công lại Mỹ nhưng bằng các cách thức "phi chính thức" để tránh các hành động phản ứng mạnh trực tiếp từ Mỹ.
Việc đe dọa các tàu chở dầu đi qua vùng Vịnh sẽ đẩy giá dầu lên cao và điều này là có lợi cho các nước xuất khẩu dầu như Iran.
Ngoài ra, trước thềm cuộc bầu cử sắp tới của Iran có ý kiến cho rằng một số lực lượng trong nội bộ Iran có thể tìm cách làm gia tăng căng thẳng với Mỹ để tranh thủ phiếu bầu, nhất là lực lượng Vệ binh cách mạng và các chính trị gia theo đường lối cứng rắn ở Iran.
Gợi lại xung đột năm 1988
Đây là lần thứ hai trong vòng hơn một tháng các tàu chở dầu bị tấn công ở vùng Vịnh Ba Tư sau vụ 4 tàu chở dầu bị làm hư hại ngày 12-5 ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Tuy nhiên, vụ việc lần này nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn hơn nhiều.
Vùng Vịnh Ba Tư là nơi có 1/3 lượng dầu mỏ và gần 1/5 lượng khí tự nhiên của thế giới được vận chuyển qua khu vực này. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ đã cam kết đảm bảo an toàn cho tuyến đường vận chuyển dầu mỏ đi qua khu vực vùng Vịnh.
Do đó, bất kỳ hành động nào làm gián đoạn hoặc ngăn chặn việc này được cho là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ, cho dù có hay không có tàu của Mỹ bị đe dọa.
Trước những lời đe dọa của Iran về việc "đóng cửa" eo biển Hormuz, Tổng thống Trump đã cảnh báo nếu Iran làm điều đó thì "việc đóng cửa này sẽ không diễn ra lâu".
Mặc dù sự việc lần này vẫn nằm trong giới hạn với việc không có tàu của Mỹ và không có thương vong trong các vụ tấn công này, tuy nhiên những gì đang diễn ra làm gợi lại xung đột giữa Mỹ và Iran năm 1988.
Khi đó, để đáp trả lại việc một tàu hải quân Mỹ trúng ngư lôi của Iran ở vùng Vịnh, Mỹ đã tiến hành chiến dịch Praying Mantis, sử dụng không quân và hải quân tấn công các tàu và giàn khoan của Iran trong khu vực.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online