Mỹ chống chọi với cái rét như Bắc Cực
Từ bang Texas đến bắc Ohio, khoảng 1/3 nước Mỹ đang phải đối mặt với cái rét kỷ lục và thời tiết khắc nghiệt kéo dài. Hàng trăm nghìn người không có điện và hàng triệu người không có nước sạch. Những hình ảnh về cái rét kinh hoàng tại Mỹ đã gây xôn xao mạng xã hội thế giới những ngày qua.
Tính đến ngày 21/2 vừa qua, ít nhất 58 người Mỹ đã thiệt mạng vì không thể chịu đựng được cái lạnh.
Hai cơn bão tuyết càn quét qua bang Texas cũng đã gây ra thiệt hại cực kỳ nặng nề. Texas là bang đang hứng chịu thời tiết lạnh tồi tệ nhất.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Texas và ra lệnh liên bang hỗ trợ cho tiểu bang này. Texas vốn được biết tới với những sa mạc và những đợt nóng khắc nghiệt nhưng giờ đây bị phủ lên mình lớp băng dày.
Nhiệt độ tại bang Texas đang ở mức ngang với Bắc Cực, với nhiều nơi hạ xuống chỉ còn âm 18 độ C.
Nhiều người dân nhận định đây là thời tiết chỉ xảy ra một lần trong đời. Các nhà chức trách vẫn chưa xác định được toàn bộ danh tính của các nạn nhân nhưng họ lo ngại con số có thể còn tăng lên nhiều.
Nhiều người tử vong không phải vì chết cóng mà bị ngộ độc khí trong quá trình sưởi ấm.
Hôm 18/2, thi thể một người đàn ông vô gia cư được tìm thấy trong một bãi đậu xe phía bắc thành phố Houston, Texas, trong tình trạng chỉ mặc một chiếc áo, không có giày và tất. Ngay cả những người có nơi trú ẩn cũng không chống trọi được cái rét kỷ lục. Tại bang Kentucky, 2 người phụ nữ đã tử vong vì bị hạ thân nhiệt.
Một bé trai 10 tuổi tại bang Tennessee đã bị rơi xuống hồ băng, thân nhiệt hạ xuống chỉ còn 14 độ và hiện đang trong tình trạng nguy kịch.
Những vòi nước bị đóng băng, đường ống nước vỡ do không chịu được áp suất, sông hồ đều biến thằng băng, tuyết bao phủ khắp nơi khiến cuộc sống của người dân nước Mỹ đang bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề.
Úc đối mặt với cái nóng 45 độ C
Trái ngược với nước Mỹ, ở bên kia của bán cầu, nước Úc lại đang đối mặt với hình thái thời tiết hoàn toàn khác biệt, đó là cái nóng vô cùng khắc nghiệt và khó chịu. Nước Úc đang phải chịu đựng những ngày tháng 2 nóng nực nhất trong vòng 50 năm qua.
Mùa hè chỉ mới bắt đầu nhưng nhiều nơi ở nước Úc nhiệt độ đã tăng lên đến 40 độ C. Phần lớn bang Queensland phải đối mặt với nắng nóng kỷ lục khi nhiệt độ tăng lên 10 độ C so với mức trung bình tháng 2 ở các khu vực miền nam và miền trung.
Hôm 15/2, một đợt nắng nóng kéo dài ở khu vực Tây Úc, đẩy nhiệt độ tại thành phố Perth lên mức đạt đỉnh 39 độ C. Nhiệt độ này sẽ còn duy trì trong suốt tuần tới mà không có dấu hiệu của những cơn mưa.
Người dân tại bang Queensland được khuyến khích luôn giữ mát cơ thể và bổ sung đủ nước trước tình trạng oi bức còn kéo dài trong vài ngày tới. Thành phố Rockhampton, khu vực trung tâm của bang, ghi nhận nhiệt độ tháng 2 nóng nhất trong vòng 52 năm qua, với nhiệt độ đạt ngưỡng 41 độ C. Lần cuối cùng nơi đây đạt mức nhiệt này là vào năm 1969.
Nhà dự báo Rosa Hoff của Cục Khí tượng Astralia cho biết: "Nhiệt độ sẽ cao hơn 10 độ C so với mức trung bình tháng 2 của Rockhampton là 31,4 độ C". Ngày nóng nhất của thành phố này được ghi nhận là vào tháng 11/1990, khi nhiệt độ lên tới 45,3 độ C.
Thành phố Rockhampton chưa phải nơi nóng nhất bang Queensland. Nhiệt độ tại những thị trấn hẻo lánh như Bedourie, Birdsville và Windorah đều đạt ngưỡng 43 độ C và rất có thể sẽ tăng lên 45 độ C nếu thời tiết không khá lên hoặc có mưa.
Để đối phó với nắng nóng, hàng loạt người dân ở bang Queensland đã đổ xô tới những bãi biển ở thành phố Gold Coast và thành phố Brisbane, nơi nhiệt độ chỉ khoảng 31-34 độ C, nhưng nền nhiệt này vẫn cao hơn 5 độ C so với trung bình tháng 2 của các năm trước.
Bà Rosa Hoff cho biết: "Đợt nắng nóng là kết quả của việc không khí nội địa rất ấm áp di chuyển gần bờ biển, sẽ giảm dần ở các khu vực miền nam và miền trung của bang".
Nguồn: thoidaiplus