Kinh tế châu Âu có thể quay về mức tiền khủng hoảng vào đầu năm 2023 – muộn hơn 6 tháng đến một năm so với Mỹ.

Anh đang nỗ lực tiêm vaccine nhanh để đưa nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường mùa hè này. Mỹ thì dựa vào gói kích thích khổng lồ tiếp theo trị giá 1.900 tỷ USD. Cả hai thứ này Liên minh châu Âu (EU) đều không có và có thể bị tụt lại phía sau.

Chiến dịch tiêm vaccine của EU đang bị phủ bóng bởi sản xuất trì trệ, nguồn cung thiếu hụt và thách thức về phân phối. Việc này khiến các nhà hoạch định chính sách khó vạch ra lối thoát rõ ràng cho nền kinh tế. Trong khi các lệnh hạn chế đang dần được gỡ bỏ tại một số nước, các quốc gia khác lại muốn gia hạn do số ca mắc vẫn ở mức cao.

Chi tiêu công nhỏ giọt và nhiều nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch sẽ càng khiến tốc độ phục hồi bị ảnh hưởng.

“Châu Âu sẽ phục hồi, nhưng muộn và yếu ơn những nơi khác”, Carsten Brzeski – Giám đốc Nghiên cứu tại ING nhận định.

42 1 Cham Tiem Vaccine Va Kich Thich Nho Giot Troi Chan Kinh Te Chau Au

Chậm trễ tiêm vaccine

Sau khi tăng trưởng mạnh quý III năm ngoái, kinh tế châu Âu lại co lại trong quý cuối khi các chính phủ tái áp đặt lệnh phong tỏa vì số ca nhiễm và tử vong tăng vọt. Nhiều biện pháp đến nay vẫn được duy trì, làm tăng khả năng quý này cũng có kết quả tương tự.

“Triển vọng trong ngắn hạn với kinh tế châu Âu yếu hơn dự báo, do đại dịch đang bóp nghẹt lục địa này”, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trong một báo cáo tháng trước. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng của châu Âu năm nay từ 4,1% về 3,7%. “Câu hỏi hiện tại là vaccine có thể được triển khai nhanh đến mức nào. Và đến bao giờ các chính sách hạn chế mới được nới lỏng”, báo cáo nhấn mạnh.

27 quốc gia thuộc EU, cùng Iceland, Lichtenstein và Na Uy chỉ mới có trong tay gần 31 triệu liều vaccine, đủ cho khoảng 6% dân số, theo báo cáo của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu.

Trong khi đó, hơn 20 triệu người Anh đã được tiêm liều đầu tiên, tính đến hết ngày 27/2, tương đương 30% dân số. Còn tại Mỹ, 15% người dân đã được tiêm ít nhất một liều. “Tiêm vaccine là chìa khóa cho tất cả các nền kinh tế lớn”, Sam Miley – nhà kinh tế học tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (London, Anh) cho biết.

EU kỳ vọng sẽ nhận được thêm vaccine trong quý II và vẫn đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% người trưởng thành trong hè này. Việc này sẽ giúp kinh tế EU bật tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của khu vực đồng euro cho thấy hoạt động sản xuất tại đây tháng trước lên cao nhất gần 3 năm, do các chủ doanh nghiệp lạc quan về vaccine. Tuy nhiên, khởi đầu trắc trở có thể khiến ảnh hưởng kéo dài, do các chính sách hạn chế càng được duy trì lâu, thiệt hại càng dai dẳng. Điều này phản ánh rõ nhất trong số liệu việc làm: hoạt động tuyển dụng trên khắp eurozone đã giảm 12 tháng liên tiếp, tính đến tháng 2.

EC cho rằng châu Âu còn phải đối mặt với rủi ro cuộc khủng hoảng “để lại những vết sẹo lớn hơn cho kinh tế – xã hội, đặc biệt là qua các vụ phá sản và sa thải hàng loạt. Việc này sẽ ảnh hưởng đến ngành tài chính, tăng tỷ lệ thất nghiệp dài hạn và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng”.

Du lịch vẫn ì ạch

Bất chấp triển vọng tiêm vaccine và thời tiết ấm lên, nỗi lo về biến chủng Covid-19 có thể khiến các chính phủ duy trì phong tỏa biên giới lâu hơn. Việc này sẽ là đòn giáng vào các nước Nam Âu vốn phụ thuộc du lịch, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy và Hy Lạp.

“Nếu thất thu thêm mùa hè thứ hai, kinh tế Tây Ban Nha sẽ rất tồi tệ”, David Oxley – nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận định.

Rủi ro này cũng sẽ khoét sâu khoảng cách về kinh tế, xã hội, tài khóa giữa các nước này với các quốc gia giàu có hơn ở phía Bắc. Khoảng cách này cũng là nguồn cơn căng thẳng lâu nay trong EU.

Maddalena Martini – nhà kinh tế học tại Oxford Economics dự báo các ngành dịch vụ tại châu Âu, trong đó có du lịch, sẽ không trở về mức tiền khủng hoảng cho đến ít nhất là đầu năm 2023.

Kích thích chưa đủ

Khi đại dịch bùng phát tại châu Âu tháng 3 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương châu Âu và các chính phủ được khen ngợi vì hành động nhanh chóng để hỗ trợ các thị trường tài chính và thúc đẩy kinh tế. Hàng nghìn tỷ USD được tung ra dưới dạng mua lại trái phiếu và bảo lãnh cho vay đã hỗ trợ các doanh nghiệp và lao động, ngăn tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục như Mỹ.

Tuy nhiên, với tốc độ co lại như EU, các biện pháp trên chưa đủ lớn để tăng tốc đà phục hồi. Các nhà kinh tế học cho rằng số tiền trên chỉ đủ ngăn kinh tế lao dốc.

Chi tiêu công phát sinh thêm chỉ chiếm từ 4% – 11% GDP các nước châu Âu, theo IMF. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Anh là 16% và Mỹ là gần 17%. Tại Mỹ, con số này sẽ lên 25% nếu gói 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden được thông qua.

Việc châu Âu tung ra gói giải cứu kỷ lục trị giá 800 tỷ euro (961 tỷ USD) nửa cuối năm nay có thể là cú hích cho khối này. Tuy nhiên, Brzeski cho rằng nó cũng không thể thay đổi cuộc chơi. Gói này sẽ được giải ngân trong vài năm, khó tạo ra khác biệt lớn với những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Một rủi ro khác là EU thắt chặt tài khóa quá sớm. Đây cũng là điều đã được Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo. “Rủi ro ngắn hạn với châu Âu là vaccine. Còn rủi ro dài hạn là chính sách tài khóa”, Brzeski kết luận.

Nguồn: Vnexpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC