Đồng tiền mệnh giá 10 euro tại một ngân hàng ở Paris, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ) dẫn nghiên cứu của Công ty kiểm toán và tư vấn tài chính EY mang tên “Đầu tư cho tương lai châu Âu,” cho biết từ nay đến năm 2025, châu Âu cần huy động khoảng 275 tỷ euro (khoảng 300 tỷ USD) đầu tư để đảm bảo tăng trưởng, duy trì một trong những vị trí hàng đầu thế giới về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, giáo dục và y tế.
Nghiên cứu của EY dựa trên các số liệu cơ bản về 5 lĩnh vực tăng trưởng: nghiên cứu và đổi mới, sáng tạo; số hóa; cơ sở hạ tầng; giáo dục và y tế đối với tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ.
Về tổng thể, Thụy Điển ghi nhận những kết quả nổi bật nhất. Tiếp theo là Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Áo, Anh, Pháp, Đức và Bỉ. Những quốc gia như Bulgaria, Croatia, Cyprus, Hy Lạp, Litva và Romania cần phải nỗ lực nhiều hơn để bắt kịp các quốc gia đi đầu.
Về đầu tư với Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, ghi nhận khối lượng đầu tư chính thức trong năm 2016 lên tới 5.000 tỷ USD, đặc biệt là trong công nghệ mới và phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo ước tính của EY, khoản đầu tư trên của Trung Quốc tương ứng với 43% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Trong khi đó, kể từ năm 1997, tất cả các nền kinh tế đều ghi nhận sự giảm sút đầu tư khi so sánh với GDP. Thứ hạng của các nước như Đức (xếp thứ 11), Pháp (17) và Italy (25) không được tốt. Nước Anh đứng thứ 6. Tình hình này cho thấy "sự cạnh tranh trong lĩnh vực số hóa là gay gắt."
Trong số các quốc gia là đối tượng nghiên cứu của EY, Thụy Sĩ là quốc gia hàng đầu châu Âu về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, giáo dục và y tế.
Để tiếp tục duy trì vị trí này được lâu dài, từ nay đến năm 2025, Thụy Sĩ cần đầu tư khoảng 24 tỷ franc (tương đương 24,3 tỷ USD). Theo EY, những năm gần đây, Thụy Sĩ - cũng như Áo - đã không ngừng đầu tư, đặc biệt cho cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, để tiếp tục đi theo hướng này, Thụy Sĩ sẽ phải "tập trung vào vấn đề kết nối tốt hơn và thúc đẩy số hóa."
Theo ông Marcel Stalder, Giám đốc điều hành của EY Thụy Sĩ, đồng thời là thành viên digitalswitzerland (một diễn đàn về công nghệ số của Thụy Sĩ), thị trường lao động tại Thụy Sĩ, Đức, Áo đang ngày càng bộc lộ các vấn đề.
Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) cũng chỉ ra rằng, về trung hạn, sự suy giảm trong tình hình nhập cư, sự lão hóa của dân số và thiếu hụt nhân lực có nguy cơ trở thành lực cản trên thị trường lao động và kìm hãm tăng trưởng kinh tế Thụy Sĩ./.
Nguồn: Vietnam+